Hát Ghẹo Phú Thọ là lối hát tục nước nghĩa (kết nghĩa) trong ngày hội của các làng Nam Cường xã Thanh Uyên, làng Bảo Vệ xã Hương Nộn (Tam Nông), làng Hùng Nhĩ (Thanh Sơn). Họ quan hệ với nhau theo quy định, năm nay làng này mời, năm sau làng kia mời, theo chu kì hai năm đến lượt một lần.
Khi mùa xuân đến, khi mùa màng bội thu, lúc nông nhàn hay vào những đêm trăng sáng. Đây là thời điểm những câu hát Ghẹo thường được cất lên qua hình thức giao duyên… Cứ như vậy, Ghẹo đã tồn tại từ bao đời nay trên quê hương làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông. Và trở thành di sản văn hoá không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.
Nguồn gốc lịch sử Hát Ghẹo Phú Thọ
Các cụ nghệ nhân hát Ghẹo Phú Thọ xưa kể lại rằng: Ngày xưa, làng Hùng Nhĩ có nhiều rừng, nhiều gỗ quý, ruộng đất xấu trồng trọt thu hoạch kém. Làng Bảo Vệ nằm dọc theo sông Thao đất phì nhiêu lại không bị thú rừng phá nên luôn được mùa, nhưng không có rừng, thiếu gỗ làm nhà. Do vậy hai bên kết nghĩa giúp nhau. Hùng Nhĩ mất mùa, Bảo Vệ giúp tiền, giúp lúa. Bảo Vệ cần gỗ làm nhà, Hùng Nhĩ chọn gỗ quý gửi ra. Mối quan hệ giữa hai làng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhân dân đi lại vui chơi, ca hát thành Hát Ghẹo.
Các cụ ở làng Nam Cường kể: Cách đây lâu lắm đình làng Nam Cường bị cháy. Dân làng Nam Cường phân nhau đi các nơi có rừng để tìm gỗ quý dựng lại đình. Đi nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được gỗ tốt. Chỉ có nhóm lên Vàng (Thanh Sơn) nơi đồng bào Mường ở mới tìm được gỗ quý. Nhân dân trong bản đã giúp đỡ nhân dân Nam Cường chọn những cây gỗ quý nhất đóng bè thả theo dòng sông Bứa ra sông Thao về Nam Cường. Không những vậy, trai gái Mường còn đưa thịt rừng, rượu thơm ra thiết đãi.
Khi bè đến Hùng Nhĩ thì bị mắc cạn. Nhân dân Hùng Nhĩ kéo ra giúp đỡ. Những cô gái Mường ở thôn Hùng Nhĩ đi hái măng về bèn khuyên vừa đẩy bè vừa hát thì thần thác mới hài lòng để cho bè xuôi. Quả thật, khi trai gái hai bên cùng nhau đẩy và hát đối đáp với nhau thì bè nhích dần rồi trôi về xuôi. Họ cùng khơi dòng đưa bè gỗ ra khỏi chỗ cạn và cùng ngồi trên bè về Nam Cường. Trong lúc lao động và ngồi trên bè họ hát với nhau. Cảm kích trước lòng tốt của nhân dân Hùng Nhĩ hai làng kết nghĩa với nhau . Từ đó hai bên qua lại thăm nhau hát trong ngày hội thành Hát Ghẹo (theo Truyện dân gian đất Tổ của Bùi Đình Đô- Dương Huy Thiện).
Thác thần từ đó được gọi là thác “đôi ta”. Khúc hát đẩy bè trên được gọi là “Hát Ghẹo” hay “Ghẹo nước nghĩa” (nghĩa là hát giữa các thôn làng kết nghĩa với nhau), “hát anh chị”. Sở dĩ có tên “hát anh chị” vì hai bên hát đối đáp với nhau sẽ gọi nhau là anh, là chị. Hát Ghẹo ở Nam Cường trở nên nổi tiếng và được gọi là Hát Ghẹo Nam Cường để phân biệt với Hát Ghẹo của các vùng khác.
Thời gian và địa điểm tổ chức hát Ghẹo
Hát Ghẹo Phú Thọ thường diễn ra vào hội xuân hoặc đêm trăng, thường tổ chức ở nhà hoặc trên đường tiễn bạn.
Hát Ghẹo không phải là một loại hát tế lễ hay dân ca tín ngưỡng, “hát cửa đình”. Cũng không phải loại hình hát tự do như hát trống quân, hát ví, hát đúm. Hát Ghẹo hoàn toàn chỉ là một kiểu sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang đậm tính dân gian.
Hát Ghẹo cũng hát trong ngày hội, nhưng không hát ở đình làng như Hát Xoan. Thường sau khi tế lễ ở đình xong thì về một gia đình tổ chức hát. Chỗ hát thường được bắt đầu từ nhà của một ai đó trong làng. Nhà được chọn để hát phải sạch sẽ, mát mẻ, rộng thoáng và đặc biệt gia đình không có chuyện buồn.
Các quan khách, ông Trùm và các anh bên khách được mời ngồi ở sập hoặc trên giường gian giữa. Làng sở tại có bà Trùm và các chị trải chiếu ngồi trên nền nhà hoặc trên giường gian bên. Khi hát thường đối đáp hai người nhìn vào mặt nhau vừa hát, vừa thể hiện tình cảm. Dân làng chỉ vây quanh xem tỏ thái độ tán thưởng không tham gia vào cuộc hát. Hát Ghẹo không có nhạc cụ, trống phách đệm và cũng không có múa, diễn kèm theo.
Mỗi cuộc Hát Ghẹo đều có tổ chức hát thi giữa hai làng nước nghĩa. Nhưng không trao giải, chỉ để cuộc hát thêm hào hứng, hấp dẫn. Có hai loại thi, là thi câu và thi giọng. Để tính điểm họ dùng một cái lạt tre hoặc thanh đóm mỗi lần hát bẻ một khúc gọi là bẻ cò. Bên thua phải lấy trang phục như khăn, áo hoặc một vật nào đó trao cho bên được. Hát xong bên được trả lại các thứ đó cho bên thua.
Cách xưng hô trang trọng, những ông già, bà già trong dịp tế lễ được gọi là “quan trùm”, “bà trùm”. Các anh, các chị được gọi là “quan anh”, ”quan chị”. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này không phân biệt chủ khách. Những bộ áo the, quần trắng, khăn xếp đội đầu đẹp nhất dành cho ngày hội là trang phục của các quan anh. Còn áo năm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao các mầu, xà tích đeo, khăn mỏ quạ chít đầu là trang phục của các quan chị.
Mỗi cuộc Hát Ghẹo từ chập tối đến sáng hôm sau, trọn một đêm.
Trình tự tổ chức mỗi cuộc hát Ghẹo
Mỗi cuộc Hát Ghẹo tổ chức theo trình tự sau:
Cầu hội diện
Trước ngày hội khoảng một tháng, làng mời các cụ bô lão trong làng tới họp để bàn tổ chức Hát Ghẹo. Ngày họp này gọi là ” Cầu hội diện”.
Quy mô tổ chức hội lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào năm đó được mùa hay không để quy định dân làng đóng góp. Nếu năm nào được mùa dân đóng góp nhiều thì tổ chức to, mời nước nghĩa đến dự. Năm nào mất mùa thì tổ chức nhỏ không mời nước nghĩa.
Khi hội nghị các bô lão quyết định mời nước nghĩa dự, thì các cụ cử hai bà đứng tuổi đã tham gia nhiều lần Hát Ghẹo, thuộc nhiều điệu hát để huấn luyện khoảng từ 15 đến 20 cô gái chọn trong làng tuổi 16-20, không vướng bận gia đình, không có tang, người đẹp hát hay, thông minh biết giao tiếp. Bên được mời cũng cử hai ông đứng tuổi biết nhiều giọng điệu hướng dẫn tốp trai làng trẻ đẹp hát hay để sang dự, số lượng do bên mời quy định.
Ví đãi trầu
Phần mở đầu cuộc hát. Trầu được để vào khay hoặc khăn tay, các chị bưng đến trước mặt các anh mời bằng Ví mời trầu:
Nữ hát:
– Miếng trầu để đĩa bưng ra
Xin anh nhận lấy để mà thở than.
– Miếng trầu để đĩa bưng ra
Có cau có rễ, lòng đà có vôi.
Hay là trầu héo cau ôi
Mà anh lại để trầu mời không ăn…
Cứ thế các cô gái làng lần lượt mời trầu, nhưng các anh không nhận bằng câu hát:
Nam:
– Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn.
Nữ:
– Miếng trầu ăn nhẹ như bông
Ăn thì ăn vậy nhưng không có gì .
Mời mãi rồi các anh cũng phải nhận trầu và chuyển sang.
Giọng sổng
Trên một điệu hát, hai bên đối đáp bằng những lời ca khác nhau. Vì thế người hát ở cả hai bên phải thuộc rất nhiều câu ca dao để vận vào cho hợp.
– Vì anh em mới tới đây.
Bỗng dưng chiếu trải màn quây giữa nhà.
– Anh với em như vợ với chồng.
Như bến với sông, như thuyền với lái…
Sang giọng (các điệu vặt)
Đây là phần âm nhạc phong phú nhất của Hát Ghẹo. Ở các phần trên Ví mời trầu, Giọng sổng thời gian hát được kéo dài là ở lời hát, về âm nhạc chỉ có một điệu dài vài chục ô nhịp. Trên nét nhạc ấy được hát bằng rất nhiều lời khác nhau. Hơn nữa điệu nhạc này cũng rất đơn giản, giai điệu mang tính hát nói, ngâm ngợi, tiết tấu cũng không có gì đặc biệt.
Theo các cụ nghệ nhân cho biết phần sang giọng này có 36 điệu. Mỗi điệu hát ở phần Sang giọng này đều là những điệu hát hoàn chỉnh. Nó chứa tất cả những đặc sắc về âm nhạc của Hát Ghẹo.
Về giai điệu trong Hát Ghẹo phần nhiều mang tính chất trữ tình, khi du dương bay bổng đằm thắm, khi giãi bày tâm sự, chòng ghẹo, bóng gió… Cùng với cách hát luyến láy mềm mại, rung hơi, rung cổ vang rền nảy hạt làm súc động lòng người. Tiết tấu trong Hát Ghẹo cũng có nhiều âm hình độc đáo, tinh tế.
Người hát ở phần này phải thuộc nhiều điệu, khi hát không cần phải theo thứ tự nào, muốn hát điệu nào trước cũng được, người đáp lại phải hát đúng điệu ấy chỉ thay bằng lời khác.
Hát hết 36 giọng trời vừa sáng, dân làng dọn cỗ mời các anh ăn, sau đó đến phần hát tiễn chân về quê.
Ví tiễn chân
Là cuộc hát của các trai gái hai làng tiễn nhau trên đoạn đường dài vài cây số. Họ tiễn nhau bằng những lời hát sâu lắng, quyến luyến chan chứa lòng yêu thương:
– Anh về có chốn thở than
Em về ngồi tựa phòng loan một mình.
– Trăm năm gắn bó như nêm
Chữ tình tạc dạ chữ duyên ghi lòng…
Dù bịn rịn, dùng dằng lưu luyến đến đâu chăng nữa cũng phải chia tay. Tình cảm ấy còn mãi trong lòng.
Ngân mãi câu hát Ghẹo ngày xuân
Trải qua thời gian, đã có những lúc câu hát Ghẹo bị mai một. Thế nhưng trong sâu thẳm tiềm thức của người dân Nam Cường nói riêng và Thanh Uyên nói chung, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi vẫn coi đó là một phần đời sống tinh thần không thể thiếu, là “báu vật” của quê hương.
Cùng với Hát Xoan, Hát Ghẹo Phú Thọ được ra đời từ rất sớm mang đậm chất dân ca vùng Đất Tổ. Cứ mỗi độ xuân về người dân lại cất lên những làn điệu Ghẹo rộn ràng nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên và để các thế hệ hôm nay thêm tự hào về giá trị văn hóa miền đất cội nguồn.
Nguồn: nguoiphutho.com