Trải qua khá nhiều nghề để kiếm sống như bán thức ăn chăn nuôi, nuôi lợn, nuôi gà đẻ trứng… nhưng cuối cùng nông dân Đặng Văn Thái ở khu 10, xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) lại chọn mô hình nuôi chim bồ câu để phát triển kinh tế.
Không phụ công người, đến nay mô hình nuôi chim bồ câu đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm.
Năm 2004, gia đình ông Thái là một trong những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn của xã Phượng Mao (nay là xã Tu Vũ).
Sau nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ không hiệu quả, đến năm 2010 ông Thái được Hội Nông dân xã tổ chức cho đi tham quan mô hình nuôi chim bồ câu tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội). Sau khi đi tham quan, gia đình ông Thái đã quyết định đầu tư để nuôi chim bồ câu. Thời gian đầu do vốn ít, ông Thái chỉ nuôi 200 đôi chim bố mẹ.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về chăn nuôi, lại gặp phải dịch bệnh nên số chim bố mẹ và chim non mới nở chết gần hết. Không nản chí, ông Thái tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật nuôi, ấp chim bồ câu cùng các tập tính của loài chim này nhằm nâng cao năng suất và khai thác tối đa hiệu quả mà chúng mang lại.
Sau một thời gian không ngừng tìm tòi, học hỏi, đến nay gia đình ông đã gây dựng được đàn chim có quy mô trên 800 đôi chim sinh sản. Bình quân một đôi chim ra ràng ông Thái bán với giá 120.000 đồng/cặp; chim bố mẹ ông bán 160.000 đồng/cặp.
Hằng tháng trừ chi phí, thu nhập từ nuôi chim bồ câu của gia đình ông Thái giao động từ 89 – 90 triệu/tháng. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Thái cho biết: Ban đầu tôi chỉ nuôi thí điểm vài chục đôi sinh sản trong điều kiện nuôi tự nhiên thì 45 ngày mới được một lứa. Khi nuôi quần thể, chim sống bầy đàn, không kiểm soát được cặp nào sinh sản tốt, cặp nào sinh sản kém, nhất là những con trống cồ hay làm dập trứng và dẫm chết chim con. Dần dần tôi tìm cách tách từng đôi nuôi riêng và đầu tư máy ấp trứng để rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ.
Ông Thái cho biết thêm: Để đàn chim sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh định kỳ thì cần phòng bệnh cho đàn chim và vệ sinh khử trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh thường xuyên. Yếu tố quan trọng trong xây dựng khu nuôi chim bồ câu là phải kín gió, có mái che nhưng đủ ánh sáng và sạch sẽ. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, không bị bệnh thì mật độ nuôi phải bảo đảm từ 6 – 8 con/m2. Thức ăn cho chim bồ câu chủ yếu là các loại thóc, ngô và thức ăn hỗn hợp tùy theo giai đoạn mà trộn theo một tỷ lệ nhất định.
Giai đoạn chim non nếu chim ăn nhiều loại thức ăn nào thì tăng thêm loại đó trong khẩu phần ăn; nếu chim mẹ chuẩn bị vào đẻ thì khống chế khẩu phần thức ăn, tránh trường hợp chim ăn nhiều dẫn đến quá béo sẽ đẻ kém.
Với quy mô đàn của gia đình hiện nay chưa đủ cung ứng chim thương phẩm cho các thương lái, chim giống cho các hộ chăn nuôi nên dự định năm tới ông Thái sẽ mở rộng quy mô đàn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế cho gia đình mình, ông Thái cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã tổ chức. Hằng năm, gia đình ông cung cấp chim giống cho các hộ trong và ngoài xã có nhu cầu xây dựng mô hình; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi khác trong và ngoài xã.
Theo ông Bùi Hồng Dân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ: Từ mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả của gia đình ông Thái đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con nông dân, trong đó có hội viên Hội Nông dân xã.
Liên Linh (Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ)