Tuổi thơ tôi hay được xem gia đình làm đủ loại bánh. Nhưng tôi thích nhất vẫn là bánh Nẳng. Ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm, mẹ tôi luôn mang bánh Nẳng bà làm cho vào từng đĩa, ba sếp mâm hoa quả lòng thành dâng lễ lên ban thờ tổ tiên. Cúng xong, cả nhà cùng ăn bánh và được nghe bà kể sự tích Tết Đoan Ngọ, câu chuyện về bánh Nẳng làng Dòng.
Nguồn gốc lịch sử bánh Nẳng làng Dòng
Ngày xửa ngày xưa, ở làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) có một cô gái tuổi đã đôi mươi mà chưa đám nào đến hỏi. Một lần nằm mơ, bụt đã hiện lên và bảo với cô: “Con hãy lấy nước tro từ các loại cây trên đồi ngâm với gạo nếp. Lấy lá dong gói bánh mang luộc. Sau đó đem mời người dân trong làng ăn sẽ được việc như ý”.
Cô gái làm theo lời bụt dặn. Chiếc bánh làm ra có vị nhạt, nhưng lại thoang thoảng hương vị cỏ cây vùng đồi địa phương. Theo lời bụt dặn, cô gái đặt tên bánh là bánh Nắng. Từ đó, cái tên bánh Nắng nổi tiếng khắp vùng gần xa.
Một ngày, có chàng trai từ kinh thành xa xôi tìm đến. Sau khi ăn chiếc bánh Nắng. Vì thích hương vị thơm ngon nên chàng đã quyết tâm tìm người con gái làm ra bánh nắng. Mến tài đảm đang, khéo léo của cô gái. Chàng đã ngỏ ý đưa cô về ra mắt gia đình.
Chàng là con trai một vị quan trong triều đình. Nhưng vì quyến luyến với cha mẹ già yếu nên cô gái đành gạt nước mắt tạ từ chàng trai. Cùng trong năm đó, gia đình chàng trai phụng mệnh triều đình mang theo toàn bộ tư gia hành hương về Đất Tổ lo việc cai quản và phúng lễ tại Đền Hùng. Đôi trai gái được gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Về sau, cô gái còn truyền lại cách làm bánh cho người dân trong làng. Lâu dần bánh Nắng được người dân gọi chệch đi thành bánh Nẳng.
Cách làm bánh Nẳng làng Dòng
Bánh Nẳng nhìn là vậy, nhưng khi hỏi về cách làm mới thấy được sự kỳ công. Người làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) phải lên đồi hoặc rừng chặt các loại cây đem về đốt lấy tro.
Cành cây núc nác, thừng mực phải dùng dao lách vỏ ra. Sau đó đem đốt cùng với vỏ cây dó, vỏ cây sắn, vỏ cây vừng. Tất cả trộn đều với nhau, rồi hòa vào một nồi nước lạnh, tạo nên một thứ nước trong vắt, nhờ nhờ hơi vàng gọi là nước tro. Nước tro được lọc cẩn thận đem ngâm với gạo nếp.
Công đoạn từ hạt gạo nếp được đãi sạch rồi đem ngâm với nước tro là cả một quá trình thực hiện những thao tác kỹ thuật phức tạp. Không thể sốt ruột hoặc lơ đễnh sơ sảy. Lúa nếp phơi được nắng được xay giã, giần sàng, hạt nào hạt nấy phải mẩy dài, không bị gãy hoặc mẻ vỡ. Để tạo nên hương vị đặc biệt của bánh, công đoạn ngâm gạo với nước tro đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm lâu năm làm. Nếu không bánh rất dễ có vị đắng.
Gạo gói trong lá dong tươi. Khi luộc bánh phải đun từ 5-6 tiếng cho đến khi bánh chín nhừ quyện vào nhau mới đạt. Bánh khi bóc ra phải mềm và không dính lá, có màu vàng long lanh như hổ phách. Người làng Dòng dùng mật mía nấu chấm với bánh để tạo hương vị đậm đà. Quyện vào vị thanh mát, ngọt ngào thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ của cỏ cây ưa nắng mọc ở đồi cao trung du.
Gia đình làm bánh Nẳng ngon nhất làng Dòng
Ghé thăm nhà bà Đỗ Thị Thanh, 65 tuổi. Một trong những gia đình làm bánh nẳng ngon nhất làng Dòng. Tôi đã cảm nhận ngay được không khí rộn ràng của một gia đình có nghề làm bánh lâu đời.
Những âm thanh của tiếng xóc gạo lao xao trong không khí. Tiếng tước gân lá dong và âm thanh cười nói của người đang gói bánh cứ đi vào tâm trí khiến lòng người càng thêm háo hức.
Bà Đỗ Thị Thanh, khu 7, xã Xuân Lũng đã có hơn 30 năm làm bánh Nẳng. Giữa khoảng sân nhà, bà Thanh đang thoăn thoắt từng động tác gói bánh, buộc lá. Nhìn chiếc bánh sau khi hoàn thành mới càng trân quý hơn sự gắn bó của nông dân với nghề truyền thống được truyền lại từ thời cha ông.
Bà Thanh kể với tôi, giờ đây bà già rồi nên không làm nhiều bánh để bán nữa. Chủ yếu nhận những đơn bánh Nẳng của khách dành cúng tổ tiên. Hoặc dành cho con cháu đang công tác xa ở Hà Nội, Vĩnh Phúc ít có dịp về quê. Như vậy vừa để giữ gìn truyền thống gia đình và như thể nhắc nhở con cháu dù ở đâu cũng cố lưu giữ nét hồn quê qua thứ bánh đặc sản quê nhà.
Chiếc bánh lưu giữ hồn quê đất tổ
Cần mẫn và nhạy bén phát triển nghề truyền thống, người dân làng Dòng đã có cuộc sống khấm khá từ nghề làm bánh cha truyền con nối. Trước đây, bánh Nẳng làng Dòng chỉ được các gia đình đơn lẻ trong làng làm. Chủ yếu bán tại các chợ địa phương. Giờ đây, nhờ sản xuất tập trung. Kết hợp mô hình làm bánh gia truyền với phát triển thương hiệu chung. Số lượng bánh tăng lên. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Bánh Nẳng đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trong tỉnh Phú Thọ và Hà Nội.
Du khách thập phương có dịp về thăm Đất Tổ. Hãy một lần đến thăm Làng Dòng và thưởng thức đặc sản là các loại bánh của nơi đây. Đất Phú Thọ thắm tình, người Phú Thọ hiếu khách. Bánh Nẳng làng Dòng chính là món quà ngọt thơm, mang cái hồn mộc mạc của người đất Tổ dành tặng cho du khách thập phương mỗi chuyến ghé thăm.
Văn Toại – Hội đồng hương Phú Thọ