Phú Thọ – vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, được biết đến như là một trong những trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh với hệ thống di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trong đó, tại chùa Bối Linh thành phố Việt Trì còn đang lưu giữ những huyền tích về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Hãy cùng tìm hiểu thêm về ngôi chùa này qua bài viết dưới đây của người Phú Thọ.
Lịch sử chùa Bối Linh
Theo bản “Lâu Thượng thần tích ngọc phả cổ truyền” được lưu tại đình Ngoại – Lâu Thượng do Hàn lâm viện đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (1525 – 1605) phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), chùa Bối Linh được xây dựng từ thời nhà Hùng ngay cạnh cung Ngoại Long.
Vào các ngày sóc vọng và lễ tết, vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng và nhân dân trong vùng đều vào chùa lễ Phật. Điều này hoàn toàn phù hợp với các tài liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng: Đạo Phật đã truyền bá sang nước ta từ thời Hùng Vương và ông bà Chử Đồng Tử – Tiên Dung là hai trong số những người Việt đầu tiên hướng về ánh sáng thiền của Đức Phật.
Ngày nay, Chùa Bối Linh (còn gọi là chùa Lâu Thượng hay chùa Hương Sơn) tọa lạc tại xóm Đồi, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Nơi đây, không chỉ là một ngôi chùa thờ Phật mà nó còn liên quan tới một sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam vào những năm đầu công nguyên. Đó là nơi Hai bà Trưng bước đầu tập hợp lực lượng cho cuộc khởi nghĩa sau này.
“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân…”
(Truyện Chùa Bối Linh)
Chùa Bối Linh nơi Hai Bà Trưng tế cờ, chiêu hiền tụ nghĩa
Sau khi kế hoạch liên kết chống ách đô hộ nhà Hán của hai Lạc tướng huyện Mê Linh và Chu Diên bị bại lộ, Thi Sách là chồng Trưng Trắc đã bị địch giết hại và Thái thú Tô Định ra lệnh bắt chị em bà Trưng. Để tránh sự lùng bắt của quân Hán và tiếp tục sự nghiệp cứu nước của chồng, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị tìm về cố đô Phong Châu của nhà Hùng mong anh linh tổ tiên phù trợ để mưu cầu sự nghiệp lớn.
Sách sử Việt Nam chép rằng: “…Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tướng dũng lược, căm giận Tô Định chính lệnh hà khắc tàn ngược, tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt…”.
Hai Bà đã lưu lại chùa Bối Linh trong 5 năm, miệng đọc chân kinh niệm Phật mà lòng vẫn hướng về việc cứu nước và khôi phục lại cơ nghiệp vua Hùng. Chính dưới mái chùa này, Trưng Trắc đã thảo bài Hịch cứu nước và cùng em tuyên truyền vận động các Lạc hầu, Lạc tướng, tù trưởng cùng hợp sức giành lại độc lập cho nước nhà.
Chùa Bối Linh nơi Trưng Trắc viết bài hịch cứu nước với lời lẽ hùng hồn, đanh thép
Tại chùa Bối Linh, Trưng Trắc đã thảo bài Hịch cứu nước và cùng em tuyên truyền vận động các Lạc hầu, Lạc tướng, tù trưởng cùng hợp sức giành lại độc lập cho nước nhà.
Lời lẽ hùng hồn, đanh thép của bài hịch: “Nay Tô Định làm Thái thú Giao Chỉ, tham tài, hiếu sắc, hiếp vợ giết chồng, thần dân đều cùng căm giận, trời đất không thể dung tha. Ta nay vâng mệnh trời, thuận lòng người, dấy nghĩa diệt loài vô đạo họ Tô, hào khí ngất trời, đuổi lũ ngoại xâm giặc Hán, dựng cờ tự chủ ở nước Nam, trống khua quật cường vang bốn cõi. Hịch văn đến đâu, không kể thổ hào, trẻ già, trai gái đều nên tự khởi nghĩa binh hay tự chiếm lấy châu, quận, phủ, huyện, hạt của mình, cắt đứt viện trợ quân lương của giặc, sau sẽ chọn quân tinh nhuệ đến hội tại Hát Môn, tiêu diệt giặc Hán. Hịch này truyền ra, cả nước cùng rõ”. (Theo sách “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, năm 2001 – Trang 141”.
Một ngày đầu xuân năm Canh Tý (năm 40 Công nguyên), nghĩa quân quanh vùng Phong Châu đã kéo về tập trung tại Lâu Thượng. Trưng Trắc đã làm lễ tế cờ và khao quân tại Bến Vò bên bờ đầm Sủ (thuộc xóm Sải, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì ngày nay) rồi chia hai cánh kéo về bãi Trường Sa (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), hợp cùng các cánh nghĩa quân khác từ khắp nơi trong nước kéo về. Tại đây, một lần nữa Trưng Trắc tổ chức lễ tế trời đất rồi chia hai đường thủy bộ tiến đánh thành Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay).
Trước sức tiến công vũ bão của quân ta, ách đô hộ của nhà Hán nhanh chóng bị đập tan và nước Lĩnh Nam độc lập ra đời. Trưng Trắc lên ngôi vua xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh (thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội ngày nay).
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do phụ nữ đứng đầu, trong thế giới tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của đế chế Hán cổ đại, được xem là sự đối chọi quyết liệt về văn hóa, nếp sống, nếp tư duy của người xưa.
“… trong khoảng năm thứ 40 sau Công nguyên, hai chị em người Việt Nam là Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình” — Tổng thống Mỹ Donald Trump
Hằng năm, người dân đến chùa Bối Linh rất đông để dâng hương, lễ phật, cầu bình an và tưởng nhớ đến công ơn của các vị anh hùng dân tộc
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo là một trang sử vô cùng đẹp trong lịch sử dân tộc còn mãi lưu giữ tại chùa Bối Linh. Nó làm rạng rỡ dân tộc ta nói chung và làm vẻ vang cho phụ nữ nói riêng. Chùa Bối Linh trên đất Lâu Thượng vốn đã cổ kính lại càng có giá trị hơn về mặt lịch sử khi lưu giữ những giá trị lịch sử tinh hóa nhất của dân tộc.