Làng nghề tre, nứa dồn tại xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển từ lâu đời, gắn với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của huyện như mâm nứa dồn sơn mài, bình hoa, lục bình…
Phú Thọ được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần lao động, sáng tạo của con người Phú Thọ.
Những sản phẩm của các làng nghề này đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Ý tưởng tạo nên thương hiệu
Làng nghề tre, nứa dồn tại xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã phát triển từ lâu đời, gắn với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của huyện như mâm nứa dồn sơn mài, bình hoa, lục bình… với kỹ thuật sản xuất nứa dồn thủ công, mẫu mã đặc sắc, tính năng sử dụng tiện lợi.
Đặc biệt, sản phẩm mâm nứa dồn sơn mài là một sản phẩm đặc trưng, dùng để thờ cúng tại các hộ gia đình, tại các đền, chùa, miếu, đình…
Các sản phẩm của làng nghề được sản xuất hoàn toàn thủ công, rất bền đẹp, đặc sắc, gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc hợp tác xã sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, cho biết lấy ý tưởng, xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo thương hiệu làng nghề Đỗ Xuyên bằng những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là đánh thức, lưu giữ, thổi hồn tinh hoa văn hóa của vùng nông thôn và những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, di sản văn hóa của Đất Tổ Hùng Vương vào những sản phẩm gia công, thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa…
Bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ để tạo ra một sản phẩm từ tre, nứa dồn hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, ngâm, xử lý mối mọt, đến chế tác sản phẩm rồi trang trí, họa tiết bằng khảm trai, khảm vỏ trứng hoặc sơn mài…
Những họa tiết này, được sử dụng màu tự nhiên của các họ dòng tre để vẽ, hoàn thiện nên sản phẩm luôn tươi tắn, sinh động.
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là sản phẩm làm từ gốm, sứ, thủy tinh… chứ không phải từ nguyên liệu tre, nứa. Đây cũng chính là sự khác biệt của sản phẩm Hợp tác xã Đỗ Xuyên trên thị trường.
Đánh thức tinh hoa
Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên Nguyễn Thị Hoa, độc đáo ở sản phẩm nứa dồn Đỗ Xuyên không chỉ bởi nguyên liệu làm nên nó là những nan nứa chắp, dồn ghép, nén chặt vào nhau mà còn do sự kỳ công, tỷ mỉ, sáng tạo của người dân xã Đỗ Xuyên tạo nên.
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, hoạt động của làng nghề Đỗ Xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn như quy mô làng nghề đang bị thu hẹp dần; lao động trẻ có kỹ thuật còn ít; các hộ sản xuất hoàn toàn thủ công bằng tay; cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp còn hạn chế, khó áp dụng được khoa học, công nghệ mới, máy móc còn đơn giản, năng suất thấp; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư nhà xưởng còn hạn chế… Những điều này khiến cho làng nghề thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên có nguy cơ bị mai một.
Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn LV Hòn Ngọc Viễn Đông đã phối hợp hỗ trợ xã Đỗ Xuyên triển khai xây dựng, thực hiện dự án Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ gắn với xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dự án với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa xã Đỗ Xuyên trên cơ sở phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường nội tiêu và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân nông thôn, đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực xã Đỗ Xuyên.
Năm 2021, Hợp tác xã Đỗ Xuyên có tám bộ sản phẩm được tỉnh Phú Thọ công nhận đạt sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao cấp tỉnh như bình hoa “Con Rồng cháu Tiên,” “Ươm mầm phát triển,” “Trăm hoa đua nở.”
Các loại sản phẩm mâm bồng, khay vuông, khay biển bạc… hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Phú Thọ cho biết những sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã Đỗ Xuyên có thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế.
Sản phẩm hiện đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Đây là sản phẩm rất có tiềm năng để nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP quốc gia hạng 5 sao trong thời gian tới.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tạo ra những mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như khay, bát, đĩa, lọ hoa, đôn…, từ chất liệu chính là gỗ, tre, nứa, song mây…
Lãnh đạo xã Đỗ Xuyên cho biết bằng lòng yêu nghề, say mê lao động sáng tạo, đổi mới để phát triển, đã giúp hợp tác xã xuất khẩu hàng nghị sản phẩm sang châu Âu, chinh phục nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh thu bình quân đạt hơn 8 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Những sản phẩm tiêu biểu được huyện Thanh Ba lựa chọn trưng bày, giới thiệu trong các kỳ hội trại văn hóa huyện dịp Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm và các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh./.
Theo Tạ Văn Toàn (TTXVN/ Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-san-pham-nua-don-tren-que-huong-dat-to/810448.vnp