Ngoài tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, Phú Thọ đã chính thức thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em riêng của tỉnh qua số 1800555503.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp tích cực.
Thực hiện công tác trẻ em năm 2020. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Tăng cường truyền thông các quy định của Luật Trẻ em. Tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em. Đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội và tại cộng đồng dân cư.
Quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111. Đồng thời thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Thọ số 1800555503
Với mục truyền thông, kịp thời thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trẻ em. Thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Việc duy trì đường dây nóng cũng là kênh nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý thông tin giữa địa phương và cơ quan bảo vệ trẻ em các cấp. Hỗ trợ việc xác minh, kết nối hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Thực tế cho thấy, 90% vụ xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân, trong khi nạn nhân thường là các cháu nhỏ, không có khả năng tự bảo vệ mình hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại nên không nói với cha mẹ hoặc bị đe dọa nên đã giấu gia đình. Đáng nói, trong số những vụ xâm hại trẻ em, có bé còn ở lứa tuổi mầm non.
Bên cạnh những vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện xử lý, hoặc bị gia đình các nạn nhân phanh phui thì vẫn còn những vụ việc gia đình biết nhưng vì các lý do khác nhau đã không tố giác tội phạm. Việc điều tra, khởi tố vụ án cũng gặp khó khăn vì các nạn nhân và gia đình không hợp tác, không khai báo kịp thời hoặc tự giải quyết, thương lượng.
Trước những khó khăn trong công tác phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Phú Thọ đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em tại địa phương.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 2.846 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, 407 trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được các gia đình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng; gần 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Số trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 26,5% dân số toàn tỉnh.