Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long – Người con được sinh ra và lớn lên tại Cẩm Khê, Phú Thọ – Vùng đất tổ thuộc Đông Bắc nước ta – Nơi sản sinh ra những tấm gương làm giàu, những nhân tài kiệt xuất của đất nước. Nơi gắn liền với hình ảnh những người nông dân cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó trong sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ truyền thống tốt đẹp nơi chôn rau cắt rốn ông đã không ngừng phấn đấu, cần mẫn học hỏi để hiện thực hóa con đường chinh phục nền tri thức. Và điều đó đã giúp ông trở thành nhà nghiên cứu nông nghiệp xuất chúng, được người người nhắc đến với cái tên vô cùng thân thuộc “Vị giáo sư của nhà nông”.
Dấu ấn Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long
Năm 1967 Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long tốt nghiệp trường đại học Tổng hợp quốc gia Kishinev. Sau đó ông về làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Một năm sau ông chuyển về giảng dạy tại trường đại học Nông Nghiệp II. Năm 1979 ông đã bảo vệ luận án Tiến sĩ; năm 1983 ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Liên Bang Nga.
Năm 1993 với sự nỗ lực hết mình ông đã chính thức được trao bằng viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nông nghiệp. Tiếp nối những thành tựu đó, năm 1996 ông giữ chức Phó giáo sư và Giáo sư chuyên ngành Di truyền chọn giống cây trồng.
Suốt quá trình cống hiến hết mình cho khoa học Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long luôn đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển Đậu đỗ, Giám đốc trung tâm giống cây trồng Việt Nga, Phó Viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam và đến nay là Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Uỷ viên Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Uỷ viên Trung ương UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Dù đứng trên vai trò nào thì ông vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trách nhiệm của một nhà khoa học và đem đến những thành tựu to lớn cho nền nông nghiệp nước ta. Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu khoa học của ông không chỉ mang tính đúc những kinh nghiệm được rút ra trước đó mà còn mang tính thực tiễn ứng dụng cao.
Thành tựu nổi bật
Trong suốt chặng đường nỗ lực hết mình của bản thân Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long đã đạt được những thành tựu xuất sắc, đóng góp không ngừng cho nền nông nghiệp nước nhà. Trong đó không thể không kể đến một số đề tài mang cấp quốc gia như: Nghiên cứu chọn giống và phát triển Vừng – Hướng dương, chọn giống cây trồng cạn lấy hạt và biện pháp thâm canh,.. Đồng thời, ông cũng là một bậc thầy trong việc nghiên cứu 22 giống cây trồng mới trong đó có 3 giống đậu xanh, giống lúa V83, giống đại mạch Api, 9 giống đậu tương, giống khoai VX37,… Đặc biệt, có hai giống được chính thức cấp bằng bảo hộ quyền tác giả là lạc L23 và đậu tương ĐT26.
Ngoài ra, ông còn dành nhiều thời gian để viết sách khoa học được độc giả đánh giá cao. Đến nay, ông đã xuất bản 17 cuốn sách khoa học và được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học: Tế bào học, giáo trình di truyền học thực vật, giáo trình cao học chọn giống cây trồng cùng nhiều cuốn sách hữu ích cho nhà nông như: cây đậu xanh, cây đậu tương, kỹ thuật đạt năng suất lạc cao ở Việt Nam. Ông đã tham gia đào tạo 35 Tiến sĩ chuyên ngành di truyền và chọn giống cây trồng, khoa học cây trồng,..
Với những đóng góp to lớn cho nền khoa học, nông nghiệp, kinh tế xã hội nước nhà ông đã được trao tặng nhiều Huân chương, Bằng khen của Bộ trưởng, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch nước, Huân chương Hữu nghị LB Nga năm 2000. Năm 1976, ông đã được kết nạp vào Đảng phòng Khoa học trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc. Trong suốt thời gian hoạt động của mình ông đã từng tham gia cấp Uỷ của các cơ quan đã từng công tác và đạt được danh hiệu Đảng viên ưu tú, đã được trao huy hiệu 30 tuổi Đảng vào năm 2008.
Những chia sẻ thật tâm của Giáo sư về sự phát triển kinh tế nước nhà
Trao đổi với phóng viên trong ấn phẩm “Gương Đảng ưu tú” ông đã có những chia sẻ về công tác quản lý Hội và nghiên cứu khoa học như sau:
Về vấn đề đáp ứng đủ giống cây trồng Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng: Cần phân biệt rõ hai khái niệm giống chất lượng cao và giống chất lượng thấp. Do đó, việc chọn, tạo ra các giống lúa mới có chất lượng cao là yêu cầu cấp bách cho nền nông nghiệp nước ta. Vì thế, cần tập hợp các nhà khoa học đầu ngành và những cán bộ có chuyên môn cao ở lĩnh vực chọn tạo giống lúa trong cả nước thực hiện đề tài trọng điểm cấp nhà nước nhằm sản xuất giống lúa mới chất lượng, thích hợp cho đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long. Để đáp ứng một lượng lớn giống lúa chất lượng cho cả nước thì Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, điều kiện làm việc tối ưu và cơ chế tài chính đặc thù cho các đề tài.
Hơn thế, muốn khắc phục tình trạng nhập khẩu từ các nước khác khi gạo trong nước xuất khẩu ngày càng nhiều, thì nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất trọng điểm, chỉ sử dụng các loại lúa đạt chất lượng thương phẩm cao, ưu tiên cho cơ sở hạ tầng, vật tư nông nghiệp. Đặc biệt nên áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến, chú ý hơn vào kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp và cơ giới hóa các cơ sở sản xuất và sau khi quy hoạch.
Theo Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long, vai trò của con người đứng đầu của một tổ chức, đơn vị là rất quan trọng. Do vậy, việc đào tạo nhân lực phải được quy hoạch theo lộ trình trước mắt và lâu dài. Nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của từng đơn vị. Người đứng đầu phải là người biết tập hợp, đoàn kết và sử dụng tốt nguồn lực của đơn vị mình, cần phải có bản lĩnh, tính quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước các quyết định quan trọng của đơn vị, biết liên kết, hợp tác các tổ chức, đơn vị khác trong nước và quốc tế để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và đứng đầu là một trong những khâu then chốt trong công cuộc xây dựng Đảng.
Là một người sống và có những cống hiến trọn đời mình đời cho khoa học, cho sự phát triển của nước nhà. Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long luôn tạo ra những giá to lớn cho nền nông nghiệp, cho sự phồn hoa của đất nước. Những phẩm chất đạo đức của ông luôn là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo trên hành trình đưa đất nước phát triển và vươn tầm Thế giới.