Hát ghẹo Phú Thọ là một thể loại ca hát dân gian được sản sinh từ vùng văn hóa đất tổ. Trên con đường phát triển, hát ghẹo Phú Thọ mang những dấu ấn của thiên nhiên, xã hội và tính cách con người nơi đây.
Thể loại âm nhạc dân gian độc đáo này đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm, coi là đối tượng nghiên cứu trong nhiều năm nay. Xuất hiện nhiều công trình, bài luận nghiên cứu về hát ghẹo với những cách tiếp cận khác nhau, trong đó có các vấn đề luôn được đề cập đến như: âm nhạc, lời ca, cách thức tổ chức một cuộc hát, hoài niệm về hát ghẹo xưa, phương hướng bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh những bài luận, bài nghiên cứu được in trên các tạp chí khoa học, chúng tôi đã sưu tầm được 11 tư liệu thành văn chính về hát ghẹo hoặc liên quan đến hát ghẹo từ năm 1958 đến 2012. Chúng tôi tạm xếp 11 tư liệu viết về hát ghẹo thành hai giai đoạn: thứ nhất, từ 1958 đến 1985 (thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và phục hồi đất nước sau chiến tranh); thứ hai, từ năm 1986 đến 24-11-2011 (thời kỳ đổi mới). Đó là dấu mốc để các nhà nghiên cứu, độc giả quan tâm, tiện theo dõi và có thể so sánh với chặng đường nghiên cứu hát xoan ở Phú Thọ. Hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào 24-11-2011.
1. Giai đoạn 1958 đến 1985
Đây là giai đoạn hát ghẹo Phú Thọ chưa nhận được nhiều sự quan tâm, tuy nhiên vẫn có một số công trình nghiên cứu mang tính chất khảo cứu, sưu tầm, đóng góp cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.
Năm 1954, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã giành được thắng lợi, liên hoan văn nghệ được tổ chức ở nhiều tỉnh, đặc biệt là Đại hội Văn công toàn quân, Đại hội Liên hoan văn công toàn quốc năm 1955. Chương trình của đoàn văn công Phú Thọ tham dự Đại hội Liên hoan văn công toàn quốc có hai tiết mục dân ca, dân vũ của tỉnh là: ca cảnh Tiễn đưa (hát xoan, hát ghẹo), kịch bản Nguyễn Kính và Múa mỡi của dân tộc Mường (1). Nhận biết đó là những giá trị vốn quý của vùng đất Tổ, đầu năm 1957, Vụ Nghệ thuật thuộc Bộ VHTT đã cử nhạc sĩ Tú Ngọc về nghiên cứu hát xoan và Nguyễn Đăng Hòe nghiên cứu hát Ghẹo tại tỉnh Phú Thọ. Sau hơn một năm sống cùng nhân dân, gần gũi với nghệ nhân, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hòe đã tìm hiểu được những phần cơ bản của hát ghẹo, biên tập thành tài liệu Hát ghẹo Phú Thọ. “Tài liệu đó đã được Ban nghiên cứu Âm nhạc dân gian của vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa góp ý kiến, thông qua năm 1958, đã in rô – nê – ô để phổ biến trong phạm vi các cơ quan văn hóa và âm nhạc từ trung ương đến các tỉnh” (2).
Trong tài liệu Hát ghẹo Phú Thọ in trên bản rô- nê-ô năm 1958, tác giả đã tìm hiểu những câu chuyện dân gian có liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chú ý đến mảng âm nhạc và cơ cấu cũng như cách thức tổ chức của hát ghẹo. Do thời gian, phương tiện và điều kiện lúc bấy giờ không cho phép, nên nhiều vấn đề tác giả chỉ nêu lên mang tính khái quát chứ chưa đi vào cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, đối với phần lời ca của nhiều bài hát, tác giả chưa có điều kiện đề cập hết được.
Năm 1979, nhận thức được hát ghẹo thuộc thể loại dân ca đặc trưng của địa phương, nên Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Vĩnh Phú mời nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hòe tiếp tục về nghiên cứu hát ghẹo. Trong lần nghiên cứu này, nhạc sĩ bổ sung thêm nhiều chi tiết mới để hoàn thành và cho ra mắt công trình Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú. Công trình này gồm 4 phần:
Phần thứ nhất, Đại cương về hát ghẹo, tác giả giải thích rõ tên gọi, đề cập sơ qua về ngôn ngữ phong tục, trình bày khá chi tiết chuyện kết nghĩa cổ truyền liên quan đến hát ghẹo cũng như cách thức tổ chức lối hát. Về ngôn ngữ, tác giả nhận thấy một số từ rất thông dụng, giống với phương ngữ miền trung, như mùng nghĩa là màn, vô nghĩa là vào, ni nghĩa là này… (3).
Tác giả giới thiệu 5 chuyện kết nghĩa phổ biến hơn cả và có liên quan đến hát ghẹo như: chuyện kết nghĩa giữa làng Nam Cường với Thục Luyện và Hùng Nhĩ, giữa Thanh Uyên và Nam Cường, giữa Cao Mại và Nam Cường, giữa Bảo Vệ và Hùng Nhĩ, chuyện về Đức quốc mẫu Lê Xuân Lan. Qua 5 chuyện kết nghĩa, tác giả cho rằng, “những chuyện kết nghĩa giữa các làng ở vùng chung quanh xưa kia là hiện tượng phổ biến. Không những thế, tục lệ này còn thấy ở nhiều nơi trên đất nước ta nhất là ở các thôn xã miền Bắc” (4). Tuy nhiên, tục kết nghĩa ở Phú Thọ không nhiều thì ít, tất yếu phải có liên quan tới hát ghẹo.
Hát ghẹo thường tổ chức thành nhóm, đây là loại ca hát mang tính phổ thông của quần chúng nhân dân. Tác giả cho biết, hàng năm trước khi tổ chức hát, trong làng có hình thức cầu hội diện (cầu họp mặt), tức là, trước ngày tế lễ chừng một tháng, các bô lão tổ chức cuộc họp dân làng để bàn về việc cúng tế. Thông thường, nếu ngày cầu hội diện mà dân làng đồng ý đóng góp, thì sẽ gửi giấy mời nước nghĩa luôn. Hát ghẹo mặc dù liên quan đến lễ hội nhưng sau khi tế lễ ở đình xong, các anh, các chị mời nhau đến địa điểm khác để ca hát cho đến tận sáng hôm sau. Trong canh hát, các câu, giọng đều được quy định theo một trật tự nhất định, nhất là thứ tự của câu trong giọng sổng. Theo nghiên cứu của tác giả, có 4 loại giọng hát: ví đãi trầu, giọng sổng, sang giọng (gồm nhiều giọng) và ví tiễn chân (5).
Phần thứ hai là Lời ca hát ghẹo, tác giả cho rằng, thể thơ lục bát vẫn chiếm ưu thế trong lời ca hát ghẹo. Tuy nhiên, so với nhiều loại dân ca khác, hát ghẹo còn dùng nhiều thể thơ khác như thất ngôn, song thất, song thất lục bát, thể bốn chữ… làm lời ca. Về nội dung lời ca, tác giả nhận định: “Nếu chúng ta cũng đồng ý rằng, khía cạnh mà ca dao và dân ca đề cập đến nhiều nhất để chống đối với giai cấp phong kiến là khía cạnh đả phá những quan niệm hẹp hòi, hủ bại khắt khe trong quan hệ bình đẳng, tự do luyến ái của thanh niên nam nữ, quyền sống của con người, thì dân ca hát ghẹo mặc dù được tổ chức trong khuôn khổ của đôi bên nước nghĩa, song đồng bào ở đây cũng đã đấu tranh thắng lợi để được tự do ca hát, đề cao cái quan hệ tự nhiên đó của thanh niên, đề cao những mối tình lành mạnh đó bên cạnh nội dung đấu tranh chống áp bức xâm lược hoặc các mặt khác…. Bởi vậy, chất trữ tình bao trùm lên toàn bộ nội dung lời ca là điều dễ nhận thấy” (6). Sau khi đưa ra nhận định có tính sơ bộ về hình thức, nội dung của lời ca, tác giả đã ghi lại lời một số bài của hát ghẹo, gồm: ví đãi trầu (1 bài), giọng sổng (17 bài), sang giọng (24 bài).
Phần Âm nhạc trong hát ghẹo, được chia thành 2 mục lớn đó là Nhận xét về âm nhạc hát ghẹo và Những bài hát ghẹo (phần ghi âm). Nhận xét về âm nhạc hát ghẹo, tác giả đi vào nghiên cứu đại cương các giọng hát. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập tới cách phổ thơ, đặc điểm của tiếng lót, nhịp điệu âm thanh, cách dùng quãng, gam chuyển giọng và tầm cữ của bài hát. Cho dù tác giả đã đi vào nhiều vấn đề âm nhạc trong hát ghẹo, nhưng nhìn chung những nghiên cứu này vẫn còn mang tính đại cương.
Phần thứ tư Vài nét về nguồn gốc của hát ghẹo, thử liên hệ hát ghẹo với quan họ Bắc Ninh, tác giả không có ý truy tìm thời gian hát ghẹo ra đời, mà chỉ nêu ra những ý nghĩ về nó như những thể loại dân ca khác. Hát ghẹo ra đời trên cơ sở của ngôn ngữ nói, là sản phẩm của người dân lao động, có quá trình phát triển và tồn tại một cách hợp lý. Tác giả đưa ra giả thuyết: “Những bài ghẹo mang ngôn ngữ miền trung có lẽ do cuộc hành quân của Quang Trung ở TK XVIII từ miền trung ra bắc mang tới. Những bài hát đó tuy đã bị hát ghẹo hóa một cách tương đối nhuần nhuyễn nhưng cũng không thể phai mờ dấu ấn của địa phương đã sinh thành ra nó” (7).
Trong quá trình tìm mối quan hệ giữa hát ghẹo với quan họ Bắc Ninh, tác giả khảo sát từ tên gọi, phong tục, lề lối đến nội dung ca hát… Tác giả phỏng đoán rằng, hát ghẹo và quan họ có chung nguồn gốc. Tuy nhiên nguồn gốc nào và xuất phát từ đâu thì chưa lý giải được.
Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú (1979) của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hòe đã cho thấy khá đầy đủ về hát ghẹo Phú Thọ trên phương diện âm nhạc, lời ca, các chặng hát, văn hóa ứng xử… Công trình này được xem là nền tảng cho các nghiên cứu về hát ghẹo sau này.
Cũng năm 1979, cuốn Hát xoan, hát ghẹo Vĩnh Phú do Nguyễn Khắc Xương và Dương Huy Thiện giới thiệu và sưu tầm được Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản. Các tác giả cho rằng, “hát ghẹo là lối hát giữa trai và gái phổ biến ở nhiều nơi trên miền Bắc. Ở Vĩnh Phú có nhiều xã ngày xưa nổi tiếng về hát ghẹo” (8). Trình tự một buổi hát gồm có bốn phần với bốn loại bài chính: phần mở đầu (1 bài) với bài hát Ví trầu; phần thứ hai (18 bài), hát các bài giọng sổng, trước hết nói về thời tiết, thiên nhiên rồi đi đến bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, mỗi bài phản ánh một cung bậc tình cảm khác nhau; phần thứ ba (25 bài), sang giọng hát các bài giọng vặt thử tài, thử trí nhau như giọng nhà trò, hát lý, hát ru và nói về cuộc sống lao động sản xuất; phần thứ tư (4 bài), từ biệt nhau với những bài hát Ví tiễn chân, Giọng ru, Giọng lý, Ví thơ.
Như vậy, nếu so với Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú của Nguyễn Đăng Hòe thì số lượng các bài ca hát ghẹo được sưu tầm trong Hát xoan, hát ghẹo Vĩnh Phú của Nguyễn Khắc Xương và Dương Huy Thiện nhiều hơn 6 bài. Tuy nhiên, do hai tác giả không chuyên nghiên cứu âm nhạc, nên những bài ca được ghi lại thiên về văn học dân gian, cung cấp nhiều thông tin về ngôn ngữ, tri thức, cấu trúc thể thơ… trong nội dung lời ca. Đây là công trình có giá trị, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có thêm nhiều tư liệu cho việc bảo tồn và phát huy hát ghẹo Phú Thọ trong bối cảnh hiện nay.
2. Giai đoạn 1986 đến 2012
Giai đoạn này có 8 công trình nghiên cứu liên quan đến hát ghẹo:
Năm 1986, Sở VHTT Vĩnh Phú xuất bản cuốn Văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Trong phần Ca nhạc dân gian, hát ghẹo chỉ được giới thiệu theo kiểu điểm mặt gọi tên, gói gọn trong 5 trang, chứ không có nhiều thông tin học thuật. Thông tin gồm cách xưng hô trong khi hát, hình thức hát, giọng hát… Thực chất, đây chỉ là sự giản thiểu nội dung trong cuốn Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú của Nguyễn Đăng Hòe mà thôi.
Năm 1994, Nxb Âm nhạc ấn hành cuốn Dân ca người Việt thể loại và hình thức của nhà nghiên cứu Tú Ngọc, có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật âm nhạc. Trong chương Những bài hát giao duyên, tác giả cũng cho rằng: hát ghẹo thường trải qua bốn chặng là ví trầu, giọng sổng, sang giọng và ví tiễn chân. Trong mỗi chặng có những đánh giá thang âm, cấu trúc và vai trò của các bài hát: Chặng đầu, giai điệu của bài hát ví còn đơn giản, thô sơ, chủ yếu dựa trên thang ba âm với trục quãng 5, cấu trúc điệu hát dựa vào lời thơ; Chặng thứ hai, gồm những bài hát được hát theo giọng sổng, giai điệu có tính ngâm ngợi nhưng đơn sơ dựa trên cấu trúc thang ba âm với một trục quãng 4, thường bày tỏ nỗi niềm tâm sự, những ước vọng về hạnh phúc lứa đôi; Chặng thứ ba, là chặng phong phú và quan trọng nhất, chủ yếu hát đối giọng, làm cho hát ghẹo trở thành lối hát giao duyên nhiều làn điệu; Chặng thứ tư, đôi bên nước nghĩa giã từ nhau bằng câu hát thuộc giọng ví như ở chặng đầu (9). Nghiên cứu này vẫn chỉ mang tính đại cương, chưa xứng tầm với những gì mà hát ghẹo đã có và đang hiện hữu trên vùng đất tổ. Cách ghi âm thể hiện trên bài bản, cách phân tích đánh giá âm nhạc vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều từ hệ quy chiếu của phương Tây.
Cùng năm 1994, Nxb Âm nhạc đã cho ra mắt cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Phúc Minh, cũng đề cập đến hát ghẹo. Phần hai Các loại dân ca, tác giả xếp hát ghẹo vào loại dân ca phong tục tập quán, cụ thể nhánh hát kết nghĩa. Cho dù cách phân loại có đôi chút không giống so với các nhà nghiên cứu khác, nhưng với trình tự nội dung của buổi hát, tác giả hoàn toàn đồng thuận. Giống như cuốn Dân ca người Việt thể loại và hình thức của Tú Ngọc, Tìm hiểu dân ca Việt Nam của nhạc sĩ Phúc Minh chỉ mang tính chất giới thiệu sơ lược về hát ghẹo trong tổng thể chung của các thể loại dân ca Việt Nam.
Năm 2003, Sở VHTTTT Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xuất bản Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ (tập 4), có đề cập đến hát xoan và hát ghẹo trong phần thứ 4. Các bài viết được nghiên cứu trải dài theo thời gian từ năm 1955 đến nay. Nhìn chung, một mô hình hát ghẹo xưa – nay – tương lai được thiết lập. Trong phần này, không ít tác giả ghép hoặc đặt hát xoan, ghẹo trong một sự liên đới chung. Không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai hình thức sinh hoạt dân gian này, nên dẫn đến những định hướng bảo tồn vẫn mang tính giải pháp theo ý kiến chủ quan, không dựa trên một hệ thống lý thuyết nào cả. Do đó, nội dung của nhiều bài hoặc vẫn là hình bóng, hoặc sự rút tỉa từ những công trình đã thực hiện từ trước.
Năm 2002, luận văn thạc sĩ Văn hóa học Hát ghẹo trong đời sống văn hóa của cư dân vùng Phú Thọ của Đào Đăng Phượng đã được bảo vệ, có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Tác giả đề cập đến nguồn gốc tên gọi, quá trình phát triển, đặc điểm và không gian diễn xướng của hát ghẹo xưa và những tiết mục hát trên sân khấu hôm nay. Tác giả nhìn thấy nhiều giá trị của hát ghẹo như cách thức trình diễn, không gian diễn xướng, nội dung lời ca… đang ngày bị mai một. Do vậy, tác giả đã đưa ra vấn đề và đề xuất những phương hướng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, để nó được hòa nhập trong cuộc sống cộng đồng ngày nay. Dẫu không thể phủ nhận nhiệt huyết của tác giả, nhưng cũng phải thấy rằng, cách xây dựng luận điểm, luận đề trong luận văn là chưa được rõ ràng. Nhiều tư liệu đưa ra chỉ mang tính trần thuật mà không có những đúc rút, đánh giá để nâng lên thành luận điểm.
Năm 2006, NCS Phạm Trọng Toàn bảo vệ luận án tiến sĩ Văn hóa học Tương đồng, khác biệt giữa hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ và quan họ Bắc Ninh tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Luận án đã tìm ra sự tương đồng, khác biệt giữa hát ghẹo với hát xoan và quan họ Bắc Ninh trên phương diện: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giao tiếp, ứng xử, thành viên tham gia hát, môi trường diễn xướng, địa điểm diễn xướng… và âm nhạc. Tuy tác giả chưa có những lý giải sâu và mang tính thuyết phục, nhưng dẫu sao, đây cũng là luận án sưu tập được một khối lượng tư liệu khá lớn.
Năm 2007, công trình Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát ghẹo Phú Thọ do Ngô Thị Xuân Hương làm chủ nhiệm đề tài được nghiệm thu. Đề tài được thực hiện nhằm khơi dậy những giá trị đặc sắc của hát ghẹo trong xã hội đương đại. Phần nội dung, những phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, văn học dân gian được đề cập tới, rồi đặc trưng cơ bản của hát ghẹo về nguồn gốc, tên gọi, quá trình phát triển, trình tự diễn xướng, được tác giả đưa ra không mới, nó đã có trong nhiều công trình nghiên cứu về hát ghẹo của các tác giả đi trước. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, tác giả và những người cộng sự đã khai thác và tìm được vấn đề mới rất đáng trân trọng, như sưu tầm thêm được điệu hát, tổ chức lễ hội hát ghẹo, quay phim lưu giữ, đề ra nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát triển hát ghẹo. Đặc biệt, đã phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Tam Nông, UBND xã Thanh Uyên thành lập phường hát ghẹo tại làng Nam Cường. Từ khi phường được thành lập đã mở các lớp dạy hát ghẹo cho nhiều thế hệ. Như vậy, công trình này có đóng góp đáng kể trong việc khơi gợi cho chúng tôi thực hiện luận án về vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát huy hát ghẹo.
Năm 2011, Nxb Âm nhạc xuất bản cuốn Hát xoan – hát ghẹo dấu ấn một chặng đường của nhạc sĩ Cao Khắc Thùy, tập hợp những sưu tầm, nghiên cứu về hát xoan, hát ghẹo trong nhiều năm qua của tác giả. Tác giả có đề cập tới hát ghẹo, nhưng chưa xem đây là đối tượng khảo sát riêng. Không ít tư liệu, sự kiện đã được đề cập trong công trình, nhưng với cách viết kiểu hồi ký, nhiều khi những sự kiện ấy chưa rõ ngày tháng, vì thế chưa đảm bảo tính chính xác về thông tin. Nhạc sĩ luôn muốn hát ghẹo tồn tại và phát triển trong thời đại mới, nó phải luôn được bổ sung bằng những nhân tố mới, mang được hơi thở, nhịp sống hiện đại.
Còn nhiều bài luận khác đăng trên các tạp chí khoa học nghiên cứu về vấn đề hát ghẹo ở Phú Thọ mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập ở đây. Nhưng với những gì dẫn giải ở trên, có thể coi đó là những công trình cơ bản nhất nghiên cứu về hát ghẹo hoặc liên quan đến hát ghẹo mà chúng tôi quan tâm.
_______________
Nguồn tin tham khảo:
1. Cao Khắc Thùy, Hát xoan – hát ghẹo dấu ấn một chặng đường, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2011, tr.82.
2,3,4,5,6,7. Kỷ yếu dân ca xoan ghẹo Vĩnh Phú, Sở VHTT Vĩnh Phú, Vĩnh Phú, 1994, tr.5,10-11,13-14,17,22-23,103.
8. Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Hát xoan hát ghẹo Vĩnh Phú, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú, Vĩnh Phú, 1979, tr.113.
9. Tú Ngọc, Dân ca người Việt thể loại và hình thức, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.101-109.