Hát Xoan Phú Thọ đã làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Những truyền thuyết lịch sử Hát Xoan Phú Thọ như khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Đất Tổ, cùng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…
Nguồn gốc lịch sử Hát Xoan Phú Thọ
Truyền thuyết kể lại rằng: Trong một chuyến du xuân, Vua Hùng cùng Hoàng Hậu đến một làng (nay là làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì). Bất ngờ Hoàng Hậu thì bị đau bụng do đến ngày sinh nở. Nhưng bà đau mãi mà không sinh được. Người hầu nữ thấy vậy tâu rằng, trong làng có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Nếu đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh đẻ được.
Vua Hùng bèn cho mời nàng Quế Hoa đến để múa hát. Cùng chầu trực bên cạnh Hoàng Hậu trong cơn đau dữ dội. Quế Hoa trổ tài hát hay, múa dẻo, tay uốn, chân đưa, người mềm như tơ. Khiến Hoàng Hậu và những hầu cận đều rất say mê. Nàng hát tới đâu Hoàng Hậu an thai tới đó. Hoàng Hậu trong khi mải xem nàng Quế Hoa múa hát quên cả đau đẻ.
Sau ngày đó, khi đến xã Cao Mại, huyện Lâm Thao, Hoàng Hậu sinh hạ được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng đã khen ngợi, đón Quế Hoa vào cung. Truyền các mỵ nương học điệu múa hát ấy để hát mừng trong dịp lễ hội mùa xuân vì thế được gọi là Hát Xuân. Sau này vì kiêng tên huý của mỵ nương, con gái vua Hùng là Xuân Nương, nên đã gọi chệch là Hát Xoan.
Từ đó đến nay, cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Xã Cao Mại (huyện Lâm Thao) lại đón các thành viên phường Xoan An Thái sang Đình Cao Mại để hát thờ Vua Hùng. Các ngày mùng 1 Tết, mùng 7 tháng Giêng, mùng 10-3 âm lịch Giỗ Tổ Hùng Vương và mùng 9-9 âm lịch ngày hội làng. Người dân An Thái lại dâng lễ vật rước Vua từ Tổ miếu Hùng Vương về Đình An Thái để nghe Hát Xoan.
Các làn điệu Xoan cổ bắt nguồn từ những làng cổ. Thuộc trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Bao gồm phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu) và 3 phường Xoan gốc khác là Phường Xoan Kim Đức, Phường Xoan Thét và Phường Xoan Kim Đới (thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì).
Các Phường Xoan đều xuất phát từ những ngôi làng cổ. Nằm ở vị trí bán sơn địa với đặc trưng địa hình gò, đồi trung du xen kẽ với các tràn ruộng trồng lúa nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự ra đời, tồn tại của các làn điệu và cách thể hiện của Hát Xoan.
Ý nghĩa của giai điệu Hát xoan Phú Thọ
Có thể thấy Hát Xoan ra đời từ rất sớm. Hát Xoan mang đậm tính phồn thực, thể hiện qua hình thức trình diễn, lời ca và điệu múa. Nhất là các thể hát Cài Huê và Mó Cá. Là diễn xướng thiêng liêng kết thúc trong mỗi cuộc trình diễn Xoan.
Khác với Hát Ghẹo Phú Thọ. Hát Xoan là lối hát có ảnh hưởng sâu sắc đến mùa màng, sự sinh sôi phát triển giống nòi. Bên cạnh đó, Hát Xoan còn thể hiện đạo lý Vua – tôi, nghĩa vợ chồng, đạo làm cha, làm con. Thể hiện tâm tư tình cảm, ước vọng và là cầu nối cho sự đoàn kết trong cộng đồng…
Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, những năm trước đây. Hát Xoan chịu sự tác động không nhỏ của xã hội hiện đại.
Nhận thức được giá trị quý báu của di sản. Trước thực trạng di sản Hát Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali – Indonesia. Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Sau đó, toàn tỉnh Phú Thọ đã có những nỗ lực, giải pháp bảo tồn hát Xoan. Phát huy giá trị di sản, làm cho di sản Hát Xoan thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.
Cuối năm 2015, tại kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Hát Xoan Phú Thọ được xét đề cử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau hai năm chờ đợi, đúng 10h52′ (giờ Hàn Quốc) tức 08h52′ (giờ Việt Nam) ngày 8/12/2017, tại phiên họp lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc. Di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chính thức ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thời khắc ấy, niềm vui, sự tự hào và trân trọng trào dâng trong mỗi người dân Đất Tổ.
Tối 3/2/2018, tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về Phú Thọ tìm hiểu nghệ thuật hát xoan
Tự hào di sản văn hóa của nhân loại
Mặc dù những câu chuyện dân gian chứa đựng cả những chi tiết huyền thoại. Nhưng đã góp phần quan trọng cung cấp tư liệu khoa học để thấy được nguồn gốc, sự ra đời của Hát Xoan Phú Thọ.
Hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính. Ngày nay, Hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ.
Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng. Y thức bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao. Di sản Hát Xoan qua ngàn đời vẫn đầy sức sống. Khẳng định nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ.
Nội dung được tổng hợp bởi: NguoiPhuTho.com