Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá của mỗi Quốc gia. Là yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của con người; đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của bất kỳ một địa phương nào. Các thông tin về tài nguyên nước mặt nói chung và tổng quan mạng lưới sông nói riêng trên địa bàn mỗi tỉnh vô cùng quan trọng. Là cơ sở rất cần thiết cho việc qui hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt hợp lý, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hiệu quả.
Phú Thọ là tỉnh được tái lập lại năm 1997, thành phố Việt Trì là trung tâm kinh tế chính trị nằm cách Hà Nội 85 km về phía Tây Bắc. Địa giới hành chính được giới hạn bởi các toạ độ địa lý: 104052’–105027’ kinh độ Đông; 20055’– 21045’ vĩ độ Bắc. Phú Thọ là nơi trung chuyển và giao lưu kinh tế giữa các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc. Phía Bắc giáp Tuyên Quang, Yên Bái; phía Đông giáp Vĩnh Phúc, Hà Tây; phía Nam và Tây Nam giáp Hoà Bình; phía Tây giáp Sơn La, Yên Bái.
Đặc điểm nổi bật của địa hình Phú Thọ là chia cắt khá mạnh, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Nằm ở phía cuối dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa vùng núi cao và vùng núi thấp, gò đồi. Căn cứ vào địa hình Phú Thọ có thể chia thành 2 tiểu vùng sau: Tiểu vùng miền núi có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 200- 500 m; tiểu vùng trung du đồng bằng có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 50-200m.
Cũng như những tỉnh khác ở Bắc bộ, đặc điểm khí hậu ở Phú Thọ có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Lượng mưa trung bình năm khá lớn, phân bố không đều theo không gian và thời gian. Địa hình chia cắt, cấu tạo địa chất dễ bị phong hoá, xói mòn đã tạo cho Phú Thọ có hệ thống sông ngòi rất phong phú, đa dạng.
Trong cuốn “Đặc điểm thuỷ văn tỉnh Vĩnh Phú” có phần viết rất sơ lược về mạng lưới sông tỉnh Vĩnh Phú nhưng đã quá cũ không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Bài viết “Tổng quan mạng lưới sông suối tỉnh Phú Thọ” nhằm thống kê lại hệ thống sông suối trong địa bàn tỉnh Phú Thọ với những thông tin cần thiết như: Độ dài, diện tích lưu vực, nơi bắt nguồn, hướng chảy, các phụ lưu, …..
Qua đó chúng ta thấy được những đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống sông suối trong địa bàn tỉnh. Đây là những thông tin rất quan trọng để đánh giá nguồn nước mặt tỉnh Phú Thọ.
Sơ lược hệ thống sông của Việt Nam
Nước ta có một mạng lưới sông ngòi dày đặc thể hiện sự chia cắt địa hình phức tạp. Đó là kết quả của sự tương tác lâu dài của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và cấu trúc địa chất, địa hình của lãnh thổ Việt Nam. Địa hình nước ta chủ yếu là đồi núi, với diện tích chiếm tới ¾ diện tích toàn lãnh thổ. Khí hậu nước ta lại nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa trung bình năm xấp xỉ 2000mm. Lượng mưa lớn lại phân bố không đều theo không gian. Nơi có lượng mưa lớn nhất lượng mưa năm lên tới 4000- 5000 mm, trung tâm mưa Bắc Quang ( Hà Giang) với lượng mưa năm khoảng 4750mm; nơi ít nhất gần 1000 mmm. Lượng bốc hơi tương đối ít, thường ít hơn lượng mưa trên hầu khắp lãnh thổ Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính hình thành mạng lưới sông ngòi dày đặc ở nước ta.
Mạng lưới sông ngòi nước ta khá đa dạng, có cấu trúc khác nhau tùy theo điều kiện tự nhiên của từng khu vực, tương ứng với sự phân hoá của khí hậu và cấu trúc địa chất – địa hình. Sự đa dạng thể hiện qua đặc trưng hình thái của mỗi lưu vực sông.
Hầu hết các sông ngòi của nước ta chủ yếu là sông nhỏ, chiếm tới 90 % tổng số sông của cả nước. Có 9 hệ thống sông lớn với diện tích khoảng 10.000 km2. Đó là các hệ thống sông: Kỳ Cùng- Bằng, Hồng, Thái Bình, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và Cửu Long. Có khoảng 76% diện tích đất liền nước ta thuộc các hệ thống sông này.
Mật độ sông suối trung bình toàn lãnh thổ là 0.6 km/ km2. Chỉ tính những sông suối có dòng chảy thường xuyên thì mật độ sông suối đạt 0.2 – 4.0 km/ km2. Trên phần lớn lãnh thổ đạt 1.0 -1.5 km/ km2.
Hầu hết sông ngòi nước ta đều đổ ra biển Đông, dọc bờ biển cứ khoảng 23 km lại có một cửa sông.
Đặc điểm cơ bản địa lý thuỷ văn lưu vực sông Hồng
Đặc điểm địa lý thuỷ văn
Lưu vực sông Đà, sông Hồng có tới ½ diện tích nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Phần còn lại có thể chia thành 2 vùng khá rõ rệt.
Vùng trung và thượng lưu (tính đến Việt Trì)
Có diện tích là 63.000 km2, nằm trọn trên vùng núi, trung du của khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Độ cao trung bình toàn lưu vực khoảng 1090m. Trong đó có tới 60 % diện tích có độ cao trên 500 m. Hướng chung của toàn bộ hệ thống là Tây Bắc- Đông Nam. Các dãy núi lớn như Hoàng Liên Sơn, Pu Luông, Con Voi… có hướng khép dần về Đông nam, tạo nên lưu vực có dạng hình nan quạt rất điển hình.
Thảm thực vật trên lưu vực sông Hồng đã bị tàn phá rất nặng nề, thổ nhưỡng phổ biến là đất đỏ vàng. Khí hậu trên lưu vực là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm.
Trên lưu vực thượng nguồn có một số tâm mưa lớn đáng chú ý:
– Trên lưu vực Lô- Gâm: Trung tâm mưa Bắc Quang (Hà Giang) với lượng mưa năm khoảng 4750mm, thuộc loại lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Các trung tâm mưa khác như Lục Yên, Hà Giang lượng mưa khoảng 1800- 2000 mm/ năm.
– Trên lưu vực sông Thao: Trung tâm điển hình là Sa Pa với lượng mưa năm 1850 mm. Các trung tâm mưa khác như Bát Sát, Mường Khương khoảng 1700- 1800 mm. Về phía hạ lưu sông Thao lượng mưa giảm dần.
– Trên lưu vực sông Đà có một số trung tâm mưa lớn ở sườn phía Tây Hoàng Liên Sơn, trên các nhánh Nậm Na, Nậm Mu với lượng mưa năm lên tới 2200- 3000mm. Cụ thể: Tại Phong Thổ 2200mm, tại Pa Tần xấp xỉ 3000 mm, tại Sìn Hồ khoảng 2700 mm, thượng nguồn Nậm Mu 2700- 2800 mm…
Vùng hạ lưu
Với diện tích 11.390 km2 thuộc châu thổ sông Hồng tương đối bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt biển từ 3-5 m, dễ bị ngập úng. Vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Nét điển hình của địa hình đồng bằng châu thổ sông Hồng là có hệ thống đê bảo vệ các vùng dân cư và đồng ruộng.
Lượng mưa trung bình năm ở hạ lưu thấp hơn so với vùng thượng lưu và phổ biến khoảng 1800- 2000 mm.
Hệ thống sông Hồng
Dòng chính sông Hồng và các phụ lưu lớn nhất như sông Đà, sông Lô đều bắt nguồn từ Vân Nam Trung Quốc, chảy vào Việt Nam theo hình nan quạt và qui tụ ở Việt Trì. Do đặc điểm địa hình, mạng lưới sông ngòi lưu vực sông Đà, sông Hồng hết sức phức tạp. Mỗi sông trong hệ thống sông đều có những đặc điểm riêng:
Sông Đà
Sông Đà nằm trong vùng địa hình núi cao, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thung lũng sâu, hẹp. Lượng mưa lớn tập trung vào mấy tháng mùa mưa trong năm, tạo điều kiện hình thành một mạng lưới sông ngòi dày đặc, ít sông lớn. Hướng của các sông suối trùng với hướng của lưu vực.
Sông Đà có các nhánh lớn nằm bên tả ngạn: Sông Nậm Na và sông Nậm Mu. Phía hữu ngạn có các nhập lưu lớn là sông Nậm Mức, sông Nậm Pô. Sông Đà có môđun dòng chảy thuộc loại lớn nhất Việt Nam với môđun dòng chảy lớn nhất lên tới 2000-3000l/s/ km2. Lượng gia nhập khu giữa đoạn Lai Châu – Hoà Bình chủ yếu ở lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Sông Lô
Lưu vực sông Lô được giới hạn phía Đông là cánh cung Ngân Sơn và cánh cung sông Gâm, phía Đông Nam là dãy núi Tam Đảo và phía Tây là dãy Con Voi. Hướng dốc chung theo hướng Tây Bắc- Đông Nam. Độ cao bình quân lưu vực 500-1000 m.
Dòng chính sông Lô có thung lũng rất hẹp, có nơi chỉ còn 4-5 km. Phía thượng nguồn sông có nhiều thác ghềnh, độ dốc lớn. Càng về hạ lưu độ dốc giảm dần, lòng sông và thung lũng mở rộng dần. Sông Chảy và sông Gâm là 2 phụ lưu lớn nhất của sông Lô.
Sông Thao
Lưu vực sông Thao nằm kẹp giữa hai dãy núi cao, bên tả ngạn là Con Voi, bên hữu ngạn là Hoàng Liên Sơn, tạo hình lông chim dài và hẹp. Trong địa phận Việt Nam lưu vực lệch về hữu ngạn và rất hẹp về phía tả ngạn. Sườn dốc cao, độ dốc lớn nên tập trung nước trên lưu vực và trong sông khá nhanh.
Phía hữu ngạn sông có các nhập lưu lớn: Ngòi Nhù, Ngòi Hút, Ngòi Thia, sông Bứa.
Tổng quan mạng lưới sông suối tỉnh Phú Thọ
Trên phạm vi tỉnh Phú Thọ có ba sông lớn chảy qua là sông Đà ở phía Đông Nam, là gianh giới với tỉnh Hà Tây, sông Lô ở phía Đông Bắc và sông Hồng (sông Thao) chảy qua trung tâm tỉnh. Sông Bứa và sông Chảy là 2 phụ lưu nhất của lưu vực sông Hồng và sông Lô.
Sông Thao
Là dòng chính của sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Nguỵ Sơn – Vân Nam Trung Quốc, chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ. Đoạn chảy qua tỉnh Phú Thọ dài 92 km. Lưu vực sông Thao nằm kẹp giữa hai dãy núi cao Hoàng Liên Sơn và Con voi, sườn dốc cao, độ dốc lớn. Sông Thao được bắt đầu tính từ Xã Hậu Bổng- Huyện Hạ Hoà và đổ vào sông Hồng tại Phường Bạch Hạc –Thành phố Việt Trì.
Lưu vực hữu sông Thao có một hệ thống ngòi khá dày, các phụ lưu chính gồm: Ngòi Vân, Ngòi Mỹ, Ngòi Lao, Ngòi Giành, Ngòi Me, Ngòi Cỏ, sông Bứa. Lưu vực phía tả sông Thao hệ thống suối, ngòi thưa hơn; phụ lưu lớn nhất là Ngòi Mạn Lạn. Sắp xếp theo thứ tự từ thượng về hạ lưu; từ bờ hữu đến bờ tả, các phụ lưu chính của sông Thao như sau:
1- Ngòi Vân: Bắt nguồn từ núi Hâm (810 m), núi Bông (736m), núi Na (977m) thuộc xã Việt Hồng – Huyện Văn Chấn – Tỉnh Yên Bái. Đổ vào sông Thao ở bờ phải cách Việt Trì 100km về phía thượng lưu, thuộc xã Hiền Lương – Huyện Hạ Hoà – Tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích lưu vực Ngòi Vân là 91,5 km2; phần thuộc phạm vi tỉnh Phú Thọ là 9.0 Km2. Tổng chiều dài là 17,5 km; phần thuộc tỉnh Phú Thọ là 2,5 km.
2- Ngòi Mỹ: Bắt nguồn từ xã Quân Khê – Huyện Hạ Hoà – Tỉnh Phú Thọ. Đổ vào sông Thao tại xã Động Lâm – Huyện Hạ Hoà – Tỉnh Phú Thọ. Lưu vực Ngòi Mỹ nằm gọn trong phạm vi tỉnh Phú Thọ với diện tích là 25,3 km2. Chiều dài Ngòi Mỹ là 10,5 km.
3- Ngòi Lao: Bắt nguồn từ núi Banh (2202 m) thuộc xã Vực Tuần- Trấn Yên- Yên Bái. Đổ vào sông Thao cách ngã ba Việt Trì 85 km về phía thượng lưu, thuộc xã Bằng Giã- Huyện Hạ Hoà- Tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích lưu vực Ngòi Lao là 650,0 Km2; phần thuộc tỉnh Phú Thọ là 118,8 km2. Tổng chiều dài là 69,0 km; trong phạm vi tỉnh Phú Thọ là 21,5 km.
4- Ngòi Giành (Ngòi Giam): Bắt nguồn từ vùng núi cao hơn 800m (núi Đu), thuộc xã Nghĩa Tân – Huyện Văn Chấn – Tỉnh Yên Bái. Đổ vào sông Thao ở bờ phải, cách Việt Trì 78 km về phía thượng lưu, thuộc Xã Tiên Lương – Huyện Hạ Hoà – Tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích lưu vực Ngòi Giành là 293,0 km2, phần thuộc phạm vi tỉnh Phú Thọ là 274,8 km2. Tổng chiều dài Ngòi Giành là 44 km, phần trong tỉnh Phú Thọ là 39,5 km.
5- Ngòi Me: Bắt nguồn từ Xã Phúc Khánh – Huyện Yên Lập – Tỉnh Phú Thọ. Nhập lưu vào sông Thao tại xã Tình Cương – Huyện Cẩm Khê – Tỉnh Phú Thọ. Lưu vực Ngòi Me nằm trọn trong tỉnh Phú Thọ với diện tích là 142,0 km2; chiều dài là 26 km.
6- Ngòi Cỏ: Bắt nguồn tại xã Minh Hoà – Huyện Yên Lập – Tỉnh Phú Thọ. Đổ vào sông Thao tại xã Tình Cương – Huyện Cẩm Khê – Tỉnh Phú Thọ. Lưu vực Ngòi Cỏ nằm trọn trong tỉnh Phú Thọ với diện tích là 93,0 km2; chiều dài là 22,5 km.
7- Sông Bứa: Bắt nguồn từ Núi To, Phú Yên- Sơn La. Nhập lưu vào sông Thao tại xã Tứ Mỹ – Huyện Tam Nông – Tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích lưu vực sông Bứa là 1370,0 km2; phần thuộc phạm vi tỉnh Phú Thọ là 1172,5 km2. Tổng chiều dài là 10 km, phần trong tỉnh Phú Thọ là 73,5 km. Sông Bứa có 13 phụ lưu lớn, trong đó có tới 10 phụ lưu lớn thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ.
8- Ngòi Mạn Lạn: Bắt nguồn từ xã Thanh Vân – Huyện Thanh Ba – Tỉnh Phú Thọ. Đổ vào sông Thao tại xã Mạn Lạn – Huyện Thanh Ba – Tỉnh Phú Thọ. Ngòi Mạn Lạn nằm trọn trong tỉnh Phú Thọ với diện tích lưu vực là 158,0 km2; chiều dài là 21 km.
Sông Lô
Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy vào nước ta qua địa phận các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, nhập vào sông Hồng tại Việt Trì-Phú Thọ. Chiều dài sông Lô đoạn từ Đoan Hùng đến khi nhập lưu vào sông Hồng là 55 km. Lưu vực sông Lô nằm giữa cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Sông Gâm, dãy núi Tam Đảo và dãy núi Con Voi. Hướng dốc chung theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Độ cao bình quân lưu vực 500-1000 m.
Sông Lô có các phụ lưu chính sau: Sông Gâm nhập lưu với sông Lô tại Khe Lau (Tuyên Quang); sông Chảy chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái, nhập vào sông Lô tại Đoan Hùng. Trong địa phận tỉnh Phú Thọ sông Lô có 4 phụ lưu chính và một số suối, sông Chảy là phụ lưu lớn nhất.
1- Sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua vùng núi cao tỉnh Hà Giang- Tuyên Quang, và Lào Cai- Yên Bái, nhập vào sông Lô tại thị trấn Đoan Hùng- Tỉnh Phú Thọ. Tổng diện tích lưu vực là 6.500 km2; diện tích trong lãnh thổ Việt Nam là 4.580 km2; trong tỉnh Phú Thọ là 159,4 km2. Chiều dài sông là 319 km, trong địa bàn tỉnh Phú Thọ là 18 km. Sông Chảy có 5 phụ lưu, trong địa phận tỉnh Phú Thọ có 3 phụ lưu đáng kể.
2- Ngòi Rượm: Nằm trọn trong tỉnh Phú Thọ, diện tích lưu vực là 64,9 km2; chiều dài 10,5 km.
3- Ngòi Dầu: Bắt nguồn từ Xã Minh Tiến – Huyện Đoan Hùng – Tỉnh Phú Thọ, nhập vào dòng chính tại xã Phú Mỹ – Huyện Phù Ninh – Tỉnh Phú Thọ. Diện tích lưu vực là 34,4 km2; chiều dài 7,0 km.
4- Ngòi Chanh: Bắt nguồn từ xã Phù Ninh – Huyện Phù Ninh – Tỉnh Phú Thọ, nhập vào dòng chính tại xã Phượng Lâu – Thành phố Việt Trì – Tỉnh Phú Thọ.
Sông Đà
Là một nhánh lớn của sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào nước ta qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, chảy qua gianh giới giữa tỉnh Hà Tây và Phú Thọ. Đổ vào sông Hồng tại xã Hồng Đà, huyện Tam Thanh. Đoạn chảy từ gianh giới Phú Thọ đến nhập lưu với sông Hồng có chiều dài 40 km. Trong địa phận Phú Thọ sông Đà có 4 phụ lưu, 2 phụ lưu lớn là Ngòi Lạt và Ngòi Cái.
1- Ngòi Lạt: Bắt nguồn từ vùng đồi núi Làng Xèo – Tỉnh Hoà Bình, đổ vào sông Đà tại Xã Tu Vũ – Huyện Thanh Thuỷ – Tỉnh Phú Thọ, cách cửa sông Đà 32 km. Tổng diện tích lưu vực là 231,0 km2; trong tỉnh là 172 km2. Chiều dài là 34,0 km; trong tỉnh Phú Thọ là 16,0 km.
2- Ngòi Cái: Bắt nguồn từ xã Cự Đồng – Huyện Thanh Thuỷ – Tỉnh Phú Thọ. Đổ vào sông Đà tại xã Đoan Hạ – Huyện Thanh Thuỷ – Tỉnh Phú Thọ. Diện tích lưu vực là 107,0 km2 ; chiều dài 18,0 km.
Ngoài ra có phụ lưu không tên bắt nguồn từ núi Lưỡi Hái, chảy vào bờ trái sông Đà tại xã Bảo Yên, cách cửa sông Đà 14 km. Diện tích lưu vực 107 km2.
Ngoài các sông suối chính đã thống kê ở trên, trong địa bàn tỉnh Phú Thọ còn có rất nhiều các suối, ngòi chảy qua tạo thành một hệ thống sông suối với mật độ cao.
Phụ lưu của các sông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Sông Chảy
Tính từ thượng về hạ lưu sông, trong địa phận tỉnh Phú Thọ các phụ lưu sông Chảy gồm:
1- Ngòi Ham: Là ngòi nhỏ, bắt nguồn và đổ vào sông Chảy tại xã Đông Khê.
2- Ngòi Nga: Là phụ lưu của sông Chảy. Ngòi Đinh bắt nguồn từ vùng cao xã Bằng Luân, chảy vào Ngòi Nga . Sau đó đổ vào sông Chảy tại thuộc xã Quế Lâm.
3- Ngòi Duỗn: Bắt nguồn từ vùng núi thuộc xã Tây Cốc huyện Đoan Hùng. Chảy qua xã Phương Trung và đổ ra sông Chảy (tại xã Phương Trung)
Sông Lô
Tính từ thượng về hạ lưu sông, trong địa bàn tỉnh Phú Thọ các phụ lưu chính của sông Lô như sau:
1- Ngòi Tế: Ngòi Cầu Xóm và suối Phai Quan là 2 nhánh của Ngòi Tế. Bắt nguồn từ địa phận xã Ngọc Quan, đổ vào Ngòi Tế và đổ ra sông Lô tại xã Sóc Đăng.
2- Sông Đồng Y: Bắt nguồn từ xã Vân Đồn chảy ra sông Lô.
3- Suối Vai: Là suối nhỏ, bắt nguồn từ địa phận xã Đại Nghĩa.
4- Suối Nhà Dao và suối Hố Nứa: Bắt nguồn từ xã Minh Tiến chảy qua địa phận xã Đại An, xã Minh Phú; chảy vào sông Lô tại xã Phú Mỹ.
5- Ngòi Dầu.
6- Ngòi Chanh.
Sông Đà
Tính từ thượng về hạ lưu sông, trong địa bàn tỉnh Phú Thọ các phụ lưu chính của sông Đà như sau:
1- Ngòi Lạt: Suối Quất và suối Cái, Suối Vui bắt nguồn từ vùng cao xã Yên Lương đổ vào suối Kem qua địa phận xã Hương Cần và đổ vào Ngòi Lạt ( xã Lương Nha)
2- Ngòi Tre và Ngòi Tu Vũ là 2 phụ lưu nhỏ của sông Đà.( Thuộc địa phận xã Tu Vũ )
3- Ngòi Cái: Là phụ lưu khá lớn của sông Đà.
– Suối Cháu ( xã Cự Thắng) và Suối Khoang Xanh ( xã Tất Thắng) là 2 suối nhỏ đổ vào Suối Vai Chót và đổ ra Ngòi Cái.
– Suối Đá Mài ( xã Thắng Sơn) và Ngòi Xem ( xã Sơn Thuỷ) đổ vào suối Sương. Sau đó đổ ra sông Đà tại xã Cự Đồng.
Sông Bứa
Trong địa phận tỉnh Phú Thọ sông Bứa có rất nhiều các phụ lưu. Tính từ thượng về hạ lưu sông, các phụ lưu của sông Bứa như sau:
1- Sông Cúc: Là phụ lưu phía thượng nguồn sông Bứa. Suối Khay, Suối Sung, Suối Quả, Suối Đáy (đều được bắt nguồn từ vùng cao xã Thu Cúc) là phụ lưu nhỏ của sông Cúc.
2- Suối Thân: Ngòi Kết, Suối Măng, Suối Khắc là phụ lưu của Suối Thân, bắt nguồn từ xã Đồng Sơn. Đổ vào suối Thân (xã Lai Đồng) và đổ vào sông Bứa.
3- Suối Dọc: Chảy qua địa phận xã Kiệt Sơn và đổ vào sông Bứa. Suối Liệm, suối Bớt, suối Lèn, suối Trong Vung, suối Dè, suối Thứ là các phụ lưu nhỏ của suối Dọc đều bắt nguồn từ vùng cao xã Tân Sơn.
4-Suối Tháng: Là phụ lưu nhỏ của sông Bứa. Thượng nguồn là suối Làng, thuộc địa phận xã Thạch Kiệt.
5- Suối Giùng ( xã Thạch Sơn), suối Sận ( xã Tân Sơn ) là 2 phụ lưu nhỏ.
6- Suối Min: Là phụ lưu khá của sông Bứa. Sông Gôm và sông Cô Sơn là 2 phụ lưu của Suối Min, chảy qua xã Thu Ngạc đổ vào Ngòi Min, sông Min, sông Mứa và cuối cùng đổ vào sông Bứa.
7- Ngòi Sài: Bắt nguồn từ xã Thu Ngạc, chảy qua xã Mỹ Thuận và đổ vào sông Bứa.
8- Sông Giày: Là phụ lưu khá lớn, chảy qua địa phận xã Minh Đài, đổ vào sông Bứa. Sông Giày có 2 nhánh đáng kể nhất là Suối Nước Thang và Suối Xuân.
– Suối Nước Thang: Suối Dài, suối Ngầu, suối Thông, suối Dân là các suối nhỏ bắt nguồn từ vùng cao xã Xuân Đài, đổ vào suối Nước Thang.
– Suối Xuân: Là một nhánh của sông Giày. Suối Dụ, Suối Chiềng, Suối Ràm, suối Vuỗng ( xã Kim Thượng) là các phụ lưu nhỏ đổ vào Suối Xuân.
9- Suối Cú, Suối Tấm, Suối Bông( xã Long Cốc), suối Chôm ( xã Văn Luông). Là các phụ lưu nhỏ của sông Bứa.
10- Sông Dân: Là phụ lưu khá lớn của sông Bứa, có 2 nhánh là suối Giát và sông Giân
– Suối Giát: Suối Lê ( xã Vinh Tiền) và Suối Chiêu ( xã Tam Thanh) là 2 nhánh của suối Giát.
– Sông Giân: Là phụ lưu khá lớn của sông Dân. Các suối nhỏ bắt nguồn từ các xã vùng cao đổ về sông Giân với mật độ khá dày. Trong đó phải kể đến các suối sau: Suối Chỏi, Suối Sinh ( xã Khả Cửu), suối Giàu, sông Dận, suối Xe, Suối Gân( xã Tân Minh)…
11- Suối Chát ( xã Địch quả), suối Khoa ( xã Võ Miếu) là 2 phụ lưu nhỏ của sông Bứa
12- Suối Lánh( xã Ngọc Đồng) đổ vào sông Bứa tại xã Tề Lễ. Suối Khánh ( xã Giáp Lai), Ngòi Yên là các phụ lưu nhỏ của sông Bứa.
Sông Hồng
Trong địa phận tỉnh Phú Thọ, sông Hồng có rất nhiều các phụ lưu nhỏ. Tính từ thượng về hạ lưu các phụ lưu đáng kể như sau:
1- Ngòi Vân
2- Ngòi Mỹ
3- Ngòi Lao
4- Ngòi Quê : Là ngòi nhỏ thuộc địa phận xã Lang Sơn, đổ vào sông Hồng (xã Lang Sơn)
5- Ngòi Chán: Bắt nguồn từ xã Mai Tùng, chảy vào sông Hồng tại xã Vĩnh Chân.
6- Ngòi Giành: Là phụ lưu khá lớn của sông Hồng. Suối Rích, Suối Ngay, Khe Ngọt là 3 nhánh của Ngòi Giành. Ngòi Giành chảy qua địa phận xã Xuân An, Phượng Vĩ, Ngô Xá và đổ vào sông Thao( sông Hồng).
7- Ngòi Mạn Lạn.
8- Ngòi Me.
9- Sông Cầu Tây: Khe con Rùa ( xã Thượng Long) là một nhánh của sông Cầu Tây. Sông Cầu Tây chảy qua xã Hương Lung, Tạ Xá. Đổ ra sông Hồng tại xã Tình Cương.
10- Ngòi Cỏ là phụ lưu khá lớn của sông Hồng.
11- Sông Bứa: Là phụ lưu lớn nhất của lưu vực sông Hồng. Sông Bứa có rất nhiều các phụ lưu nhỏ.
12- Suối Dầu Dương: Là suối nhỏ bắt nguồn từ xã Dậu Dương, đổ vào sông Hồng (ranh giới giữa xã Dậu Dương và xã Thượng Nông).
Ngoài ra, trong lưu vực còn có sông Cây Ngoã, Ngòi Sen,… tạo thành một hệ thống sông suối dày đặc.
Hệ thống hồ – đầm
Phú Thọ còn có một hệ thống ao, hồ đầm lầy tự nhiên, nhân tạo – là nguồn đáng kể điều tiết cho dòng chảy mặt. Hệ thống ao hồ, đầm lầy phát triển mạnh nhất ở các huyện Hạ Hoà, Cẩm Khê và Tam Nông dọc theo lưu vực sông Hồng.
Hồ
Hồ Đồng Phai (xã Đan Phượng), hồ Hiền Lương (xã Hiền Lương), hồ Bến Thẩn, hồ Thanh Ba (xã Quân Khê). Hồ Ngả Hai (xã Đồng lương), hồ Nưa (xã Tạ Xá), hồ Vực Sy (xã Sơn Tình), hồ Thuỵ Liễu( Xã Thuỵ Liễu), hồ Đồng Mèn( xã Tùng Khê). Hồ Độc Giang (xã Xuân An), hồ Đồng Thịnh (xã Cấp Dẫn), hồ Chính Công (xã Vĩnh Chân). Hồ Láng (xã Mai Tùng), hồ Đầm Trắng (xã Minh Hạc), hồ Láng Thượng (xã Chuế Lưu), hồ Đồng Móng (xã Xuân Ang). Hồ Lạc Lang (xã Hy Cương), hồ Đồng Đào; hồ Phùng Thịnh (xã Minh Côi), hồ Liên Phương (xã Đại Nghĩa)…
Đầm
Đầm Cây Si (xã Chuế Lưu), Đầm Chiêm (xã Bằng Giã), Đầm Mùn, Đầm Trắng. Đầm Thọ Sơn, đầm Câu Cả (xã Dị Nậu- Hương Nộn), Đầm Láng (xã Y Sơn, đầm Meo (xã Văn Khúc), đầm Lang Trì(xã Xuân Lợi), đầm Đung (xã Tùng Khê), đầm Láng (xã Y Sơn). Đầm Phai Lớn, đầm Sảy, Đầm Si (xã Phương Xá- Phùng Xá). Đầm Trắng, đầm Ao Châu (thị trấn Hạ Hoà). Đầm Vang, đầm Cả (xã Tử Đà). Đầm Ngoài, đầm Trong, đầm Đức Phong (xã Cổ Tiết). Đầm Lại (xã Thanh Uyên), đầm Đăm Cùng (xã Quang Húc)….
Mạng lưới các trạm khí tượng thuỷ văn
Thuỷ văn
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến thời điểm hiện nay có 4 trạm thuỷ văn trong lưới trạm thuỷ văn cơ bản đang hoạt động. Trên sông Lô có 2 trạm thuỷ văn là trạm Thuỷ Văn Việt Trì và trạm Vụ Quang. Trên sông Hồng có trạm thuỷ văn Phú Thọ. Trên sông Bứa là trạm thuỷ văn Thanh Sơn.
Trong đó có 2 trạm thuỷ văn cấp 3 là trạm thuỷ văn Việt Trì và trạm thuỷ văn Phú Thọ đo đạc các yếu tố: Mực nước, nhiệt độ nước và lượng mưa. Trạm Vụ Quang và trạm Thanh Sơn là trạm thuỷ văn cấp 1 đo đạc các yếu tố: Mực nước, lưu lượng nước, lưu lượng bùn cát, nhiệt độ nước, lượng mưa.
Ngoài các trạm thuỷ văn cơ bản ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn có 3 trạm đo mực nước trong mùa lũ đặt trên 3 nhánh sông. Trên sông Thao ( Hồng) có trạm Ấm Thượng; Trạm An Đạo trên sông Lô và trạm Thanh Thuỷ trên sông Đà. Đây là các trạm thuỷ văn phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Phú Thọ.
Để nghiên cứu diễn biến thuỷ văn trong mùa cạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 5 điểm đo kiệt trên các sông vừa và nhỏ.
Khí tượng
Có 3 trạm khí tượng: Phú Hộ, Minh Đài, Việt Trì.
Trong đó trạm Khí tượng Phú Hộ là trạm cấp 1, quan trắc và thu thập số liệu các yếu tố cơ bản như: Nhiệt độ không khí, nhiệt độ đất, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, nắng, mây, gió ….
Trạm Minh Đài và trạm Việt Trì là trạm cấp 2, quan trắc và thu thập các yếu tố: Nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, nắng……..
Các điểm đo mưa nhân dân
Có 11 điểm đo mưa nhân dân đại biểu cho các khu vực trên địa bàn tỉnh Phú Thọ: Đông Cửu, Đoan Hùng,Yên Lập, Thanh Thuỷ, Thạch Kiệt, Yên Lương, Mỹ Lương, Thanh Ba, Hạ Hoà, Cẩm Khê, Lâm Thao.
Nhận xét – Kiến nghị – Khuyến cáo
Phú Thọ là tỉnh có hệ thống sông ngòi rất phong phú, là nơi gặp gỡ của 3 sông lớn: Sông Đà, sông Lô và sông Thao. Các sông lớn này có rất nhiều các phụ lưu, trong đó có những phụ lưu lại là các con sông khá lớn, có rất nhiều các phụ lưu khác,… Các sông lớn và các sông suối nhỏ khác tạo thành một hệ thống sông ngòi, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, tạo ra một hệ thống giao thông thuỷ thuận lợi.
Do có 3 sông lớn chảy qua nên tiềm năng về nước mặt tại Phú Thọ rất lớn (lưu lượng dòng chảy lớn nhất tại Việt Trì khoảng 30.000 m3/s). Tuy vậy dòng chảy mặt phân bố không đều theo không gian và thời gian; chất lượng nước mặt bị ảnh hưởng bởi chất thải của một số khu công nghiệp. Do vậy để khai thác và sử dụng hiệu quả lâu dài nguồn tài nguyên quí giá này cần có sự nghiên cứu đánh giá cụ thể về trữ lượng nước cũng như chất lượng nước, sự phân bố theo không gian và thời gian.
Dòng chảy các sông tại Phú Thọ được duy trì thường xuyên trong suốt cả năm bởi 2 nguồn cung cấp cơ bản: Lượng mưa năm tại các khu vực trong tỉnh tương đối lớn ( Phổ biến từ 1450- 1650 mm); mặt khác các sông chảy qua tỉnh Phú Thọ thường là trung hoặc hạ lưu nên nguồn nước được cấp từ các sông suối phía thượng lưu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, giao thông đường thuỷ, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ đã có một hệ thống đề điều có tác dụng ngăn lũ, bảo vệ các khu công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở….Trong những năm qua Đài Khí tượng Thuỷ văn Việt Bắc đã phối hợp với Ban phòng chống lụt bão của tỉnh Phú Thọ làm tốt công tác thường xuyên theo dõi diễn biến Khí tượng Thuỷ văn, dự báo, cảnh báo kịp thời, giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.
Trên các sông chính đã có một hệ thống mạng lưới trạm thuỷ văn đo đạc các yếu tố cơ bản dòng chảy, hoạt động liên tục trong nhiều năm. Số liệu thu thập được chỉnh biên, đảm bảo tính chính xác, đủ điều kiện dùng trong nghiên cứu, tính toán thiết kế.
Qua tính toán tài liệu thuỷ văn thu thập trong nhiều năm cho thấy: Đặc điểm dòng chảy tại mỗi vị trí đo đạc rất khác nhau nhưng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của mỗi lưu vực sông, nơi bắt nguồn, độ dốc lưu vực…của mỗi con sông.
Sông Bứa bắt nguồn từ vùng núi cao, chảy qua địa phận huyện Thanh Sơn- là huyện miền núi của tỉnh. Độ dốc lưu vực lớn, lòng sông nhỏ, thời gian tập trung nước nhanh.. Do vậy lũ ở đây lên nhanh và xuống rất nhanh, biên độ lũ tại Thanh Sơn rất lớn, có khi lên tới 8-9 m. Khi có mưa với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn rất dễ xảy ra lũ quét. Các xã vùng cao của huyện Thanh Sơn, nơi tập trung rất nhiều suối nhỏ, độ dốc lớn là nơi xảy ra lũ quét với tần suất cao của tỉnh Phú Thọ.
Trên sông Lô tại Vụ Quang, Việt Trì dòng chảy diễn biến rất phức tạp do chịu ảnh hưởng điều tiết của hồ chứa Thác Bà, Hòa Bình và Tuyên Quang. Biên độ lũ thường thấp hơn trên sông Bứa. Một số xã vùng cao huyện Đoan Hùng, nơi tiếp giáp với Tuyên Quang, Yên Bái cũng là nơi thường xảy ra lũ quét do các suối có độ dốc lớn. Dòng chảy trên sông Hồng tại Phú Thọ diễn biến có qui luật hơn, do độ dốc lưu vực và lòng sông đã giảm; chế độ dòng chảy tuân theo qui luật của dòng chảy tự nhiên.
Trên thượng nguồn các sông Lô, sông Đà …có những hồ chứa nước phát điện nên dòng chảy trên các sông chính tại Phú Thọ chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều tiết hồ chứa. Việc dự báo và cảnh báo thuỷ văn rất khó khăn do những qui luật dòng chảy tự nhiên bị phá vỡ.
Sông suối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mang lại nguồn tài nguyên quí giá là nguồn nước mặt vô cùng phong phú. Ngoài hệ thống sông suối, Phú Thọ có một hệ thống hồ, đầm lầy (phát triển mạnh nhất ở các huyện Hạ Hoà, Cẩm Khê và Tam Nông dọc theo lưu vực sông Hồng) có tác dụng điều tiết dòng chảy rất hữu hiệu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế đa ngành nghề: Giao thông đường thuỷ, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch….
Phú Thọ là tỉnh có rất nhiều tiềm năng do sông suối mang lại, tuy nhiên trong đó cũng chứa rất nhiều nguy cơ về lũ lụt, lũ quét…. Để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh chúng ta cần có sự đầu tư nghiên cứu cụ thể về những qui luật dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, khai thác tối đa mặt mạnh và hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Việc lập các qui hoạch, kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu sản xuất, .. cần được nghiên cứu kỹ để đạt được hiệu quả cao nhất trong khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên do sông suối mang lại.
Tài liệu tham khảo
1. GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, GS TS Nguyễn Trọng Hiệu, 2004. Khí hậu và tài nguyên khí hậu Việt nam. Nhà xuất bản nông nghiệp.
2. Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc, 1993. Khí hậu Việt Nam. Nhà xuát bản khoa học và kỹ thuật.
3. Đặc trưng hình thái lưu vực sông Việt Nam – Viện Khí tượng Thuỷ văn, 1985.
4. Đặc điểm thuỷ văn tỉnh Vĩnh Phú – Uỷ ban khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phú, 1989.
5. Khái quát tình hình quan trắc thuỷ văn trên lưu vực sông Hồng – Cục mạng lưới – Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, năm 2001.