Dẫu có gian nan, vất vả, những thầy, cô trên quê hương Đất Tổ vẫn không nề hà. Bởi, dạy học không chỉ vì nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là cái tâm và tình yêu nghề, mến trẻ.
Người truyền cảm hứng
20 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 16 năm công tác tại Trường THPT Long Châu Sa (Phú Thọ), cô Tống Thị Lan Hương có rất nhiều thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Không chỉ nhiệt tình, tận tụy, nhiều sáng tạo, cô còn là người phụ trách đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường.
Cô Tống Thị Lan Hương tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo. Có thể do ảnh hưởng một phần từ nền tảng gia đình và cộng thêm sự định hướng của mẹ, nên sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1998 tôi đã đăng ký thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Cũng từ đó, tôi luôn nỗ lực trong học tập và rèn luyện nhằm tiếp thu kiến thức, phương pháp sư phạm để sau này truyền đạt lại cho học trò”.
Thầy Quách Thành Đô – Hiệu trưởng Trường THPT Long Châu Sa (Phú Thọ) cho biết: Trong công tác chuyên môn, bằng sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cô Tống Thị Lan Hương đã vượt mọi khó khăn, không ngừng tự học và sáng tạo. Chính vì vậy, trong 16 năm công tác tại trường, cô Lan Hương có nhiều năm được ban giám hiệu nhà trường giao trọng trách phụ trách đội tuyển học sinh giỏi.
Đặc biệt, năm học 2021 – 2022, cô Lan Hương trực tiếp dạy bồi dưỡng 7 em đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Cả 7 em đều đoạt giải với: 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba và xếp thứ nhất toàn tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, cô Lan Hương có nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen.
Bao nhiêu năm công tác là bấy nhiêu năm cô dành trọn tâm huyết của mình với nghề và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong chuyên môn, cô Lan Hương tích cực đổi mới phương pháp dạy học; nắm rõ kiến thức, kỹ năng để truyền đạt nội dung, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Cô cho rằng, phương hướng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt với bộ môn đặc thù là Sinh học mà cô đang giảng dạy.
Ngoài ra, để có những bài giảng hay, mới, linh hoạt và khoa học, cô không ngừng tìm tài liệu, sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung, cập nhật những kiến thức mới phục vụ cho việc dạy được tốt hơn.
Nhiệt huyết và trách nhiệm
Thầy Chử Văn Tới – giáo viên Toán, Trường THCS Lâm Thao (Phú Thọ) là nhà giáo luôn hết lòng vì học sinh, luôn đi đầu đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy.
“Tôi yêu nghề dạy học ngay khi còn là học sinh THPT. Khi đó, tôi tâm niệm, những thầy giáo, cô giáo là những người giỏi giang và vĩ đại nhất. Bản thân rất yêu quý trẻ nên tôi đã nung nấu ước mơ trở thành một thầy giáo trong tương lai”, thầy Tới tâm sự.
Đến nay thầy Tới đã có 16 năm công tác, trong đó có 7 năm gắn bó với Trường THCS Lâm Thao. Vượt qua những khó khăn, thầy Tới càng trân quý nghề, yêu mến học trò hơn.
Với thầy Tới, việc quan trọng của người thầy là làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút và khơi dậy hứng thú, say mê học tập của học sinh. Tuỳ theo năng lực tiếp nhận mà thầy tìm ra hình thức tổ chức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động, giàu tính ứng dụng, giúp học sinh học nhớ nội dung bài tốt hơn.
Thầy Chử Văn Tới chia sẻ: “Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi khi mới bước vào nghề là được ban giám hiệu giao làm công tác chủ nhiệm lớp 9. Biết bao lúng túng, bỡ ngỡ với môi trường mới bởi mọi thứ khác xa so với những kiến thức sách vở mà tôi đã được học ở trường sư phạm. Đặc biệt, trong một lần đi vận động học sinh quay trở lại trường học, tôi đã thấy được sự vất vả của gia đình học sinh. Trách học sinh vì bỏ học giữa chừng, nhưng cũng rất thương vì hoàn cảnh của các em. Lần thứ nhất đến vận động gia đình cho học sinh trở lại trường học thất bại, tôi về trường được các đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm khi tiếp xúc với học sinh và gia đình. Tiếp đó, tôi xin ý kiến tư vấn từ ban giám hiệu nhưng lần vận động thứ 2 vẫn thất bại. Lần thứ 3, tôi một mình đến gặp gia đình. Sau nhiều giờ thuyết phục và có lẽ gia đình cũng ghi nhận vì thấy mình nhiệt tình nên đã đồng ý cho em quay trở lại trường học” – thầy Tới kể.
Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, được sự khuyến khích của ban giám hiệu, thầy Tới đã chủ động nghiên cứu, thiết kế bài giảng và ứng dụng công nghệ thông tin qua phần mềm trực tuyến như Zoom, Google meet… dạy học trực tuyến cho học sinh.
Cùng với đó, thầy còn nghiên cứu và xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp huyện và tỉnh, giúp học sinh có thể học bài và ôn bài ở nhà bất cứ thời gian nào, nhất là đối với những em không tham gia học online vì một số lý do bất khả kháng…
Theo nhận xét của các thầy, cô giáo Trường THCS Lâm Thao, thầy Chử Văn Tới có trình độ chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, yêu nghề. Thầy luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của đoàn thể, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin yêu và kính trọng. Khả năng chuyên môn vững vàng cùng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, thầy Tới có nhiều năm liền được khen tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, năm học 2021 – 2022, thầy Tới đoạt giải Nhất cấp tỉnh tại Cuộc thi xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình tỉnh Phú Thọ.
Trong công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cô Lan Hương nhấn mạnh: Để tạo được không khí học tập vui vẻ, bản thân giáo viên phải tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập của từng học sinh. Từ đó, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp, giúp các em luôn cảm nhận được đội tuyển là một gia đình nhỏ, chia sẻ với nhau những vui, buồn và giúp đỡ nhau trong học tập.
Theo Long Anh – Minh Sơn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/nhung-nguoi-dua-do-tan-tuy-noi-dat-to4-t4eNEej7R.html