Ngoài những trận đấu đầy ắp khán giả, sự xuất hiện của những nữ tình nguyện viên xinh xắn cũng là điểm nhấn trong công tác tổ chức môn bóng đá nam SEA Games 31 tại Phú Thọ.
Hơn 40 tình nguyện viên (TNV) đến từ Đại học Hùng Vương (TP Việt Trì, Phú Thọ) đã tham gia hỗ trợ công tác tổ chức và điều phối tại bảng A môn bóng đá nam SEA Games 31. Họ là những sinh viên, giảng viên khoa ngoại ngữ người địa phương và các tỉnh lân cận, đang theo học và giảng dạy tại đây.
10 ngày qua, những TNV này đã được hòa mình vào không khí bóng đá SEA Games, là một phần trong công tác tổ chức môn thể thao được quan tâm nhất tại một kỳ đại hội tầm cỡ khu vực.
Giảng viên đại học làm phiên dịch ở SEA Games
Mai Thị Thu Thảo sinh năm 1995 tại Phú Thọ, hiện là giảng viên khoa ngoại ngữ Đại học Hùng Vương. Cô được chọn là một trong hai phiên dịch chính phụ trách các cuộc họp báo ở bảng A. Việc được gặp gỡ những huấn luyện viên hàng đầu khu vực và lần đầu trực tiếp tham gia vào công tác truyền tải thông tin tới báo chí là một trải nghiệm đặc biệt đối với Thu Thảo.
“Đây là kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức ở Phú Thọ. Điều đó mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Phú Thọ nói chung và các thanh niên thế hệ trẻ như chúng tôi. Tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong việc cống hiến”, Thu Thảo chia sẻ với Zing.
Với một người chưa từng làm công việc về bóng đá, Thu Thảo không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong quá trình phiên dịch. Từ thời điểm bắt đầu giải, không ít lần cô gặp phải khó khăn trong việc truyền tải thông tin. Công việc này đòi hỏi không chỉ sự tập trung, chính xác mà còn là khả năng nói lưu loát, rõ ràng và nhất là kiến thức bóng đá.
“Khoảng thời gian đầu, tôi rất lo lắng, không biết mình có thể hoàn thành nhiệm vụ hay không. Chúng tôi là nữ giới, không am hiểu thể thao, lại chưa từng tham gia một giải đấu nào mang tầm cỡ khu vực nên thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực tìm hiểu kiến thức về bóng đá như tên cầu thủ, giải đấu gần đây, cũng như từ vựng chuyên ngành để quá trình phiên dịch được trôi chảy và chính xác. Điều đó mang lại những trải nghiệm tuyệt vời bởi có thể rất nhiều năm nữa, Việt Nam mới lại đăng cai một kỳ SEA Games”, nữ giảng viên sinh năm 1995 cho hay.
Tham gia công việc mang đầy trách nhiệm ở SEA Games 31, Thu Thảo đã chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Tháng 5 này, cô không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân và gia đình như trước, phải thay đổi thói quen sinh hoạt hay tạm dừng công việc giảng dạy.
Vào những ngày có trận đấu, giữa cái nóng tháng 5 của miền Bắc, Thu Thảo và các TNV khác có mặt tại sân Việt Trì từ 13h và làm việc đến tận 22h. Khi các trận đấu diễn ra, một vài người không kịp ăn phải bỏ bữa. Có những người tìm những góc kín, không có camera, để ăn vội vàng nắm xôi hoặc bánh mỳ cho qua bữa tối. Ngoài việc hướng dẫn, phiên dịch, Thảo cũng cùng các sinh viên của mình hỗ trợ dọn vệ sinh một số khu vực chức năng.
“Đây đang là giai đoạn thi cử nên có rất nhiều công việc phải giải quyết. May mắn là tôi cũng được đồng nghiệp và nhà trường hỗ trợ nên mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, áp lực không phải là không có”, Thảo cho hay.
Thức khuya, dậy sớm để dẫn đoàn các đội tuyển
Ngoài vị trí phiên dịch họp báo, công tác dẫn đoàn các đội tuyển cũng là một nhiệm vụ quan trọng khác của đội ngũ TNV. Có khoảng 10 TNV được chọn từ những sinh viên khoa ngoại ngữ ưu tú, được chia thành 5 cặp, mỗi cặp gồm một nam, một nữ để dẫn đoàn của các đội tuyển ở bảng A.
Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh Đại học Hùng Vương là người dẫn đoàn đội U23 Indonesia, đương kim huy chương bạc của SEA Games.
Trong thời gian diễn ra giải đấu, Kiều Trang đều phải dậy sớm để đến túc trực tại khách sạn rồi đồng hành cùng đội tới các địa điểm tập luyện. U23 Indonesia đang lưu trú ở Thành phố Việt Trì còn sân tập của họ được bố trí ở huyện Phong Châu và Tam Nông (lần lượt cách 17 km đến 25 km). Sau mỗi buổi tập và thi đấu, Trang thường về nghỉ rất muộn.
“Ngoài lịch trình di chuyển tập luyện và thi đấu dày đặc, việc đáp ứng yêu cầu của đội U23 Indonesia cũng khiến tôi nhiều khi bị căng thẳng. Các HLV đội khá kỹ tính, có những đòi hỏi tương đối khắt khe nhưng tôi đều cố gắng trong khả năng của mình, không để xảy ra sự cố nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh ban tổ chức”.
Trang cho biết công việc dẫn đoàn đòi hỏi không chỉ giao tiếp, ngoại ngữ mà còn là khả năng ứng biến tình huống cũng như sự kiên nhẫn. Cô thường thức dậy rất sớm (khoảng 6h), tới khách sạn đội trực và đồng hành cùng họ tới khuya (có hôm tới 23h).
“Công việc của chúng tôi còn là dẫn thành viên đội đi mua sắm nhu yếu phẩm, đi kiểm tra sức khỏe, thời điểm không cố định, có những hôm phải đi rất muộn. Là một sinh viên, việc đi nhiều ngày liên tiếp như vậy khiến tôi rất mệt, không có thời gian cho việc học cũng như chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, tôi thấy mình cũng nhận lại được khá nhiều vì đây là những trải nghiệm tuyệt vời ở một sự kiện tầm cỡ khu vực tổ chức tại quê hương”, Kiều Trang cho hay.
Nhà trường không ưu ái vẫn muốn đi tình nguyện
Cũng đang theo học khoa Ngoại ngữ của Đại học Hùng Vương, Lê Thị Minh Phượng (sinh năm 2001 tại Ba Vì, Hà Nội) được chọn làm công tác dẫn đoàn U23 Timor Leste. Vừa làm, Phượng vừa phải thu xếp thời gian để lên lớp. Do đang là mùa thi cử, có những hôm cô sinh viên năm 2 phải đổi lịch trực đội tuyển với bạn để làm bài thi.
“Nhà trường không có ưu ái gì cả trong vấn đề này. Cũng may mà chúng tôi được phân đi dẫn đoàn theo từng cặp nên nếu một trong hai có việc bận thì có thể hỗ trợ cho nhau. Hôm nào tôi phải lên lớp, tôi sẽ báo HLV trưởng có gì khó cứ liên hệ bạn tình nguyện viên còn lại. Trong trường hợp không thể rời đội, tôi phải làm đơn xin nhà trường cho đổi lịch thi”, Minh Phượng nói.
U23 Timor Leste là đội đã xuất hiện các ca mắc Covid-19 nên việc luôn đồng hành cùng đội để sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp là một trải nghiệm đáng nhớ với Phượng.
Nguyễn Hoài Trang, một sinh viên năm 2 khác, kể về tình huống khó xử nhất trong thời gian dẫn đoàn U23 Myanmar: “Việc mời các anh phóng viên dừng tác nghiệp ở những buổi tập khi đã hết thời gian cho phép là trách nhiệm của tình nguyện viên chúng em. Mong mọi người sẽ hiểu và thông cảm”.
Cùng với Thu Thảo, Kiều Trang, Minh Phượng, Hoài Trang, hàng chục tình nguyện viên khác cũng đang ngày ngày nỗ lực để mang lại hình ảnh đẹp cho ban tổ chức. Họ là những ví dụ tiêu biểu cho nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu quê hương với địa phương đăng cai các môn thể thao tại SEA Games 31.
Với họ, tình nguyện tham gia công tác tổ chức vừa là niềm tự hào, vừa là dịp học hỏi những kiến thức mới để tăng trải nghiệm và vốn hiểu biết về lĩnh vực thể thao.
Theo Ngọc Lê – Mai Anh / Zingnews