Phú Thọ là đất phát tích của dân tộc Việt Nam, còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc đình, đền độc đáo, gắn liền với văn hóa tín ngưỡng thời đại Hùng Vương có giá trị về lịch sử, và nghệ thuật kiến trúc. Mặc dù nằm chung trong hệ thống đình khu vực Trung du Bắc Bộ, tuy nhiên đình làng Phú Thọ lại mang những nét đặc trưng riêng.
Theo thống kê của Phòng Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, hiện nay tại Phú Thọ có 140 ngôi đình. Cả tỉnh đang có 273 xã, phường, thị trấn. Gần một nửa đơn vị hành chính cơ sở không có đình. Làng Tứ Xã (Lâm Thao) xưa có năm ngôi đình lớn nay không còn một cái. Xã Dữu Lâu có bốn đình.
Đình Hương Trầm là một trong số ngôi đình được xây dựng sớm nhất ở Phú Thọ, từ năm 1693; đình cũ chỉ còn lại hậu cung, gần đây nhân dân mới tu bổ thêm. Đình Bảo Đà xây muộn hơn nhưng còn lại gần như nguyên vẹn. Hai đình Quế Trạo và Dữu Lâu được xây dựng lại trên nền đất cũ.
Nhiều ngôi đình hoặc ra đời sớm hoặc có giá trị về kiến trúc, điêu khắc đã được công nhận xếp hạng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh như đình Lâu Thượng, Hùng Lô, Bảo Đà, Đào Xá, Đông Trấn…
Ngoài những ngôi đình của người kinh ở vùng ngoài thì vùng trong, người Mường cũng có những ngôi đình lớn ở Thạch Khoán, Tất Thắng, Tân Lập….
Người Dao Quần Chẹt cũng có đình nhưng đơn giản chỉ có ba hòn đá đặt gần như ba đầu nhau. Người ta để cái bát cạnh ba hòn đá về phía có nguồn nước như ao, hồ, sông, suối. Đình làm ở một khu đất tốt, hợp phong thuỷ. Ngày tiệc người ta dựng cái lán lớn ở cạnh ba hòn đá để làm cỗ bàn, cúng bái và ăn uống.
Đình làng là một di sản văn hoá vật chất của địa phương nên đề tài nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn nhằm “… đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo, quy hoạch phục vụ phát triển du lịch” ở Phú Thọ.
Nguồn gốc của Đình làng có từ đâu?
Đình làng vốn được bắt đầu từ những đình trạm làm ở dọc đường cho xa giá nhà Vua đình lại nghỉ ngơi. Về sau triều đình sức cho các làng làm đình để làm nơi hội họp dân làng, là trụ sơ của kỳ hào, lý dịch và là nơi thờ Thành hoàng của làng.
Làng Việt ta vốn không có “Thành hoàng”, là thành xây cạnh cái hào có nước. Thành hoàng vốn là vị thần phù hộ của các lãnh chúa Trung Hoa ở trong các thành cao hào sâu ấy. Người Việt mượn hai từ “Thành hoàng” để gọi về vị thần bảo hộ chung của các dân làng.
Làng Việt là điểm tụ cư của những cộng đồng cư dân làm lúa nước, lấy nông vi bản nên các tổ sư nghề không được xếp làm Thành hoàng thờ ở đình mà chỉ thờ ở đền miếu, văn chỉ, từ chỉ….
Thành hoàng có các loại là tiên thánh hoặc những người có công lớn với nước như Vua Hùng, Sơn Tinh, Trần Hưng Đạo… được xếp hạng thượng đẳng thần. Những vị tướng tài, những ông quan lại có công với nước với làng, cả những người khai dân lập ấp cũng được xếp hạng trung đẳng thần. Hạ đẳng thần hay tạp thần, có cả tà thần là loại ăn mày kẻ cắp, dân thường chết vào giờ thiêng có báo mộng cũng được thờ ở đình để khỏi quấy nhiễu dân làng.
Nhà Vua chỉ ban sắc phong cho hai loại Thành hoàng: Thượng đẳng thần và trung đẳng thần. Hạ đẳng thần tự các làng tôn thờ.
Khi mỗi dân làng đã khai khẩn ra phần ruộng đất canh tác muốn lập một xã mới hoặc xin tách ra khỏi xã cũ thì đơn xin giải quy, lập xã mới phải khai báo diện tích đất đai, danh sách đầu đinh (đàn ông từ tỉ ấu (trẻ con) đến lão hạng) và phải có ban kỳ hào, lý dịch hợp quy chuẩn của triều đình và dứt khoát phải có ngôi đình thờ Thành hoàng đã được nhà vua ban sắc phong.
Ngôi đình vì thế đã có vị trí rất quan trọng đối với mỗi làng xã Việt Nam cổ truyền. Có làng là có đình.
Trừ làng Nú ở Minh Nông “Bao giờ kẻ Nú làm đình, Nông Trang mở hội thì mình lấy ta“. Làng Nú không có đình vì khi xưa đất ấy toàn rừng cây, bãi sậy lau lách hoang vắng. Con cháu nhà Trần, nhà Lê khi suy vi chạy trốn lên mai danh ẩn tích sinh cơ lập nghiệp mãi rồi thành làng.
Vốn xuất xứ danh gia vọng tộc, dòng giống cựu hoàng coi khinh tân triều, họ khinh thường thói cổ không làm đình và có lệ khi làng đang cầu cúng mà xa giá nhà vua qua làng cũng không ra đón. Một lần Vua đi qua biết lệ này bèn cho lấy gỗ chôn yểm cho dân làng ấy “nú lẫn” quên đi nguồn cội của họ. Tên làng Nú có là vì vậy. (Ngọc Bảo sưu tầm qua các già làng).
Khi dựng ngôi đình mới người ta thường xin chân nhang, duệ hiệu thành hoàng đang thờ ở đình nào đó trong làng, trong vùng hoặc xa hơn thuộc tỉnh khác về thờ ở đình của thôn xã mình.
Vì cùng thờ một thành hoàng nên các làng mới kết chạ nhận nhau là dân anh dân em. Ngày cầu tế họ mời nhau đến dự tiệc, tham gia tế lễ làm bồi tế, đông xướng hoặc tây xướng. Từ ngôi đình mà mối cố kết cộng đồng dân tộc được nâng cao.
Người dân người làng khi có giận hờn, hiềm khích nhau nhưng khi ra đình cùng dự đám trước Thành hoàng thiêng liêng, trước niềm vui chung cùng công chúng, hội đám người ta nguôi đi lòng oán giận nhau. Vì thế mới gọi đình là nơi cộng cảm của dân làng.
Trừ khi hội họp, ăn uống của đàn anh, ngày thường đình là nơi ra vào chơi bời của dân làng. Thông thường chỉ có hậu cung thâm nghiêm cửa khám thờ khép lại cho thần nghỉ ngơi, phần ngoài đình, ở các gian cạnh bắc sàn gỗ cho mọi người ngồi trò chuyện hóng mát hoặc ngả lưng chợp mắt buổi canh trưa nóng bức. Ngôi đình là ngôi nhà làng, của chung mọi người là niềm tự hào chung để ai cũng nhận là đình làng ta. Vì thế đã đi vào ca dao: “Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu“.
Ngoài yếu tố tiêu cực của tôn ti phong kiến thì quy định chiếu ngồi ở chốn đình chung cũng tạo ra nhiều giá trị văn hoá khác. Ta biết người xưa ăn uống ở đình là ăn lộc thánh, bốn người một mâm có một cút rượu (1/4 lít) họ chỉ ăn hương ăn hoa nhâm nhi vài miếng gọi là. Còn lại được chia phần đem về cho vợ con cùng hưởng. Họ ăn bằng tiền đóng góp do chia lượt cho mỗi giáp đăng cai, mỗi năm dùng tiền công thu được ở các nguồn lợi chung đem đến từ đầm hồ ao công hoặc hoa lợi của ruộng đình mà người xưa gọi là tự điền. Ai say rượu nôn oẹ làm uế tạp đình còn bị làng phạt vạ.
Chiếu ngồi cao thấp ở đình thể hiện mức độ đóng góp tiền của nhiều hay ít của mỗi người cho dân làng. Những người đem gần như cả sản nghiệp ra với số tiền và ruộng đất có giá trị kinh tế lớn để mua ngôi hậu thì khi họp hành ăn uống ở đình được ngồi chiếu nhất. Chiếu nhất còn được giành cho người đỗ Tiến sỹ, vì đỗ đạt cũng làm vẻ vang cho làng. Chánh tổng đến tiên thứ chỉ cao nhất làng cũng không được ngồi chiếu ấy nếu làng có quan nghè và người mua ngôi hậu. Cụ hậu khi sống ngồi chiếu trên, ăn cỗ ở đình được người ta gánh một gánh nặng phần biếu về nhà cho gia đình. Cụ hậu chết được cả dân cúng giỗ ở đình làng. Lần lượt các chiếu từ trên xuống dưới, từ gian giữa sang gian trái rồi gian phải và cuối cùng là hàng bạch đinh, đầu chọc nghèo khó không có chiếu để xếp vàng phải ngồi theo bàn dài.
Khi làng cần xây đền miếu, chợ búa, trường học, làm cầu cống, người ta bán các ngôi, tức là chỗ ngồi ở đình để lấy tiền xây dựng. Tên các ngôi là tuỳ ở mỗi làng tự đặt như lý quyên, quan viên trung đình, chùm, trưởng… Người ta quy định chỉ những người đã mua ngôi được ngồi ở hàng chiếu thứ mấy đình làng mới được tham gia tranh cử các chức lý dịch ở làng xã. Có chiếu ngồi ở đình nhờ có cống hiến tiền của cho làng được cả làng trọng vọng. Vì thế nó là niềm tự hào của mỗi người, mỗi nhà. Người xưa nói “ăn một miếng ngoài làng bằng sàng só bếp” là nói đến sự sang trọng của những người được ra đình tham dự việc làng.
Những tráng đinh nghèo không có tiền mua ngôi phải đi tuần phiên canh gác và làm dao thớt phục vụ việc làng. Nhưng nếu làng ra giá ai chặt được đầu cướp, giết được mãnh thú trừ hại cho làng thì làng cho một chỗ ngồi trên chiếu đình, nếu bị chết thì con cháu được thừa hưởng.
Mỗi ngôi đình tuỳ theo hành trạng của Thành hoàng, tuỳ năm mất mùa hay phong đăng hoà cốc mà hình thức mở lễ hội khác nhau, từ hèm tục lễ lạt cầu tế đến trò diễn, trò chơi dân gian.
Đề tài nghiên cứu khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn đã khảo tả kỹ nhiều ngôi đình từ xây dựng các dạng chữ nhất (-), chữ nhị (=), chữ tam (º) chữ công (I) hay chữ đinh (J) và dựa vào điêu khắc hình người, hình rồng, li rùa, phượng và hoa lá để đánh giá ngôi đình được xây dựng ở thời Lê hay thời Nguyễn.
Ngoài phần di sản vật chất là kiến trúc, điêu khắc và khuôn viên với sân đình, ao giếng và bóng cây đa chùm một góc đình làng thì phần di sản văn hoá phi vật thể của đình làng với các nội dung trình bày trên sẽ góp phần nâng cao ý nghĩa của ngôi đình giúp cho mọi người cùng có ý thức bảo tồn phát huy nó trong cuộc xây dựng quê hương đất nước vừa văn minh hiện đại vừa giàu truyền thống văn hóa của dân tộc.
Dù có nhiều nội dung không thể phát huy vì nó không còn phù hợp với hiện tại, nhưng các nội dung văn hoá phi vật thể khác không còn nhắc đến thì cái vỏ của ngôi đình có xây xong cũng bỏ đấy, không phát huy được. Hiện tượng đình xây lại rồi, nhưng bỏ lễ hội, chỉ rằm, mồng một ông từ mới đến mở cửa đình thắp hương thì việc tôn tạo chỉ là vô ích.
Chúng ta hy vọng các ngôi đình sẽ làm sống lại rạng rỡ gương mặt Đất Tổ thân yêu của cả nước mình.