Trên quê hương đất tổ một trò diễn tích đỉnh cao của văn nghệ dân gian. Theo thời cuộc tưởng chừng như bị quên lãng, cho đến khi được những người nông dân chân chất tìm kiếm và làm hồi sinh trò diễn xướng Bách nghệ trình làng.
Bách nghệ trình làng tái hiện chân thực bức tranh cuộc sống của người dân làng quê Bắc Bộ
Bách nghệ trình làng là trò diễn xướng đại diện cho nét đặc thù xã hội của Dị Nậu xưa có từ thời Hùng Vương thường được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch.
Bách nghệ trình làng tái hiện lại bức tranh cuộc sống muôn màu của người dân nông thôn từ làm nông, làm sơn, dạy học,… Đây là những nghề gắn bó bao đời với người dân, trở thành nét đẹp văn hoá, ăn sâu trong tiềm thức. Mỗi dịp tết đến xuân về người dân lại có cơ hội trình làng và tự hào với nghề truyền thống của cha ông. Bách nghệ trình làng thực chất là các tiểu phẩm hài tái hiện lại quá trình lao động, sản xuất mang lại tiếng cười, giúp mọi người lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống hơn.
Trò chơi gian dân này có giá trị nhân văn tôn vinh nền văn minh lúa nước và tưởng nhớ công lao của các đại vương. Qua trò chơi, người dân có thể tìm hiểu được cội nguồn của người Việt, khi các ngài Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang là quân của Tản Viên về dạy dân làng cấy lúa, cày bừa, đơm cá… Theo cổ tự Bách nghệ thường được dùng chỉ những công việc lao động chân tay. Bách nghệ trình làng với ý nghĩa giới thiệu nghề đặc trưng của người dân với lối diễn hài hước vui nhộn. Tích trò bao gồm nhiều nhân vật, trong đó không thể thiếu vai hề trò, chủ trò, người đi bừa, người thợ cấy, ông lão đánh cá, thợ cắt sơn, thợ mộc, thợ cắt tóc, thầy đồ, sĩ tử và tiểu đồng. Xem nghệ nhân diễn tấu trên sân khấu, người xem như được sống lại trong không gian văn hóa làng xã xưa kia.
Nếu như diễn xướng Tứ dân chi nghiệp ở Lâm Thao mang thiên hướng hài hước ảnh hưởng bởi tín ngưỡng phồn thực đề cao ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở. Thì Bách nghệ trình làng ở Dị Nậu lại mang 1 màu sắc rất đỗi bình dị, mộc mạc, chân thực, đề cao công sức thành quả lao động của người dân. Các diễn viên tuy là những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn nhưng trên sân khấu lại hoá thân thành những nhân vật xuất chúng với lối diễn hài hước, dí dỏm, mang đến niềm vui cho người xem.
“Loa loa loa loa
Kính mời tất cả già trẻ gái trai
Chòm Chua, Chòm Hạ, Chòm Đông
Chòm trên, Chòm trưởng lại thông Chòm vồi
Chòm Trò, Chòm Vắp bồi hồi
Chòm Nam, Chòm Dộc đứng ngồi không yên
Bốn giáp chung một nỗi niềm
Nhanh chân để đến sân đình làng ta
Trình nghề tích cổ ông cha
Loa loa loa loa…”
Chỉ cần nghe tiếng thông báo thôi là thấy được niềm vui hân hoan, háo hức, nhanh chân đến xem hội. Sinh ra và gắn liền với hình mẫu của những người nông dân, nên các đạo cụ biểu diễn đều là những công cụ thô sơ được biến tấu để thể hiện tính khôi hài. Tất cả đã gieo vào lòng người xem về hình ảnh người nông dân cần cù, chất phát, lạc quan làm bao người xem phải ôm bụng mà cười nghiêng ngả.
Bách nghệ trình làng có nguồn gốc từ xa xưa thời vua Hùng, nó được kể lại trong các câu chuyện dân gian, mà người dân thường kể cho nhau nghe. Chuyện kể rằng nàng Mị Châu Ngọc Hoa sau khi lấy Sơn Tinh, ở núi Tản được ít lâu thì về với bố mẹ ở thành Phong Châu. 3 năm sau vẫn chưa thấy trở về với chồng, Tản Viên phải về thành Phong Châu xin vua cha đón nàng về.
Ngọc Hoa ra khỏi cung điện, về tới làng Trẹo thì nhất định không chịu đi nữa, Tản Viên dỗ thế nào cũng không nghe, chỉ cúi đầu nước mắt chảy tầm tã. Ngọc Hoa nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ nơi mình đang sống không nỡ rời đi.
Tản Viên không biết làm thế nào mới vào trong tìm người trong thôn giúp đỡ. Dân làng mừng ra đón Ngọc Hoa, bấy giờ mọi người bày đủ các trò vui, để Ngọc Hoa nguôi lòng thương nhớ. Người thì hát, người kể chuyện cười, các cô gái hát với trai làng. Công chúa vui cười hát theo, mọi người rước Ngọc Hoa lên kiệu.
Đám rước có người già làm kẻ đánh cá, đi săn, mang dụng cụ nhà nông đã hư hỏng, vừa đi vừa nói những câu buông lơi, cho công chúa cười. Thế là Ngọc Hoa cùng Tản Viên trở về quê chồng. Từ đó hàng năm cứ đến ngày mùng 4 tết người dân nơi đây lại cùng nhau diễn trò Bách nghệ trình làng mang lại tiếng cười sau những ngày lam lũ, vất vả, đầu tắt mặt tối.
Cứ ngỡ bách nghệ trình làng thứ dân ca, dân vũ, ngấm vào máu thịt, trở thành hồn cốt của người dân Dị Nậu thì sẽ không bao giờ mai một. Nhưng không thoát khỏi quy luật của tự nhiên, những năm dài chiến tranh, người dân đã phải ngậm ngùi chống trả, không còn thấy những chú hề, thầy đồ, cô nông dân duyên dáng trên sân khấu đình làng mỗi dịp xuân về nữa.
Bẵng đi mấy chục năm ròng rã, cho đến một ngày tại làng quê Dị nậu. Người ta bắt gặp một thầy giáo già đi khắp đầu làng, ngõ xóm sưu tầm góp nhặt rồi làm hồi sinh những vai diễn dân gian gần như bị lãng quên. Bách nghệ trình làng sinh ra bởi con người và mất đi cũng bởi con người thì nay lại được hồi sinh, gìn giữ bởi con người.
Trong không gian yên bình của làng quê Bắc Bộ, thanh âm của những câu hát hài hước, đậm tính nhân vân vẫn vang vọng. Tiếng giá, tiếng trẻ quyện vào nhau trải qua năm thăng trầm của lịch sử vẫn ăm ắp đủ đầy giá trị tinh hoa nhất của dân tộc. Xuân nối xuân, người Dị Nậu nối nhau để lời dân ca, dân vũ, để trò bách nghệ trình làng còn mãi với thời gian. Hãy theo dõi trang để cập nhật những bài viết hay, mới nhất về văn hóa – xã hội, đời sống – giáo dục của Người Phú Thọ.