Đền Hùng ngụ trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Nhắc đến đền Hùng, người dân Việt Nam lại mang trong mình niềm tự hào, biết ơn khó tả khi nhớ về cội nguồn dân tộc. Thế nhưng không phải ai cũng biết hết những điều thú vị xung quanh khu di tích này. Bài viết hôm nay sẽ tập trung khai thác khía cạnh kiến trúc các đền của đền Hùng. Hãy cùng khám phá xem đền Hùng có bao nhiêu đền chính nhé!
Đền Hạ
Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII). Kiến trúc của đền Hạ theo hình chữ nhị (=). Đền này bao gồm Tiền bái và Hậu cung. Nhìn tổng thể, đền Hạ mang phong cách kiến trúc khá đơn sơ với kèo cầu, quá giang đóng trụ và phần mái được lợp ngói.
Theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai. Nguồn gốc về các dân tộc của Việt Nam bắt nguồn từ đây.
Khi các con khôn lớn, cha Lạc Long Quân mang theo 50 người con về vùng biển quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi. Mẹ Âu Cơ mang theo 49 người con ngược lên vùng núi, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, xây dựng cuộc sống. Người con trưởng ở lại làm Vua, dựng nên Nhà nước Văn Lang, truyền được 18 đời đều gọi Hùng Vương.
Đền Trung
Tương truyền rằng, xưa vua Hùng cùng các Lạc Hầu, lạc tướng du ngoạn, ngắm cảnh và bàn việc nước tại đây. Đền Trung cũng gắn liền với sự tích đời Hùng Vương thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu vì đã có công làm ra bánh chưng, bày dày.
Kiến trúc của đền được xây theo hình chữ nhất, 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.
Đền Thượng
Tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, Đền Thượng còn có tên gọi khác là “Kính Thiên Lĩnh Điện” (nghĩa là: Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Lịch sử ghi lại rằng, các vua Hùng thường thực hiện các tín ngưỡng thờ trời, thờ Thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền rằng, trên núi Hùng còn ghi dấu mảnh vỏ trấu khổng lồ cùng chiếc thuyền nan ba cắng. Chúng gắn liền với nhiều truyền thuyết giàu ý nghĩa văn hóa về hạt lúa thần, gửi gắm ước mơ của người dân.
Theo truyền thuyết, vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi đánh thắng giặc Ân, người dân đã lập đền thờ Thánh Gióng để tưởng nhớ người anh hùng này. Sau này, người đời sau muốn tỏ lòng biết ơn tới các vị vua Hùng nên đã lập đền thờ vua Hùng. Vào thế kỷ XV, đền Thượng được xây dựng quy mô. Hàng năm vào thời nhà Nguyễn, các quan trong triều được cử về giám sát, trùng tu đền.
Đến ngày nay, đền Thượng được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm 4 cấp: Nhà chuông trống, Đại bái, Tiền tế và Hậu cung. Vào ngày 18/09/1962, Bác Hồ đã về thăm đền Hùng và cho xây dựng đền Thượng thành công việc lịch sử, trồng thêm nhiều cây cối.
Đền Giếng
Tương truyền, đền Giếng (tên chữ Ngọc Tỉnh) có hai nàng công chúa xinh đẹp của vua Hùng thứ 18: Ngọc Hoa và Tiên Dung thường soi gương chải tóc khi đi qua vùng này. Hai vị công chúa cũng có công trong việc dạy dân trồng lúa, trị thủy. Nhân dân rất biết ơn công lao của hai công chúa và lập đền thờ để tưởng nhớ.
Đền được xây vào thế kỷ XVIII. Giếng lúc nào cũng đầy ắp nước, trong mát suốt 4 mùa. Cho đến ngày nay, đền Giếng được thiết kế theo kiểu kiến trúc hình chữ I: Tiền bái, ống muống, Hậu cung. Mái đền được lợp ngói, trang trí lưỡng long chầu nguyệt.
Ngày 19/0/1954, chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng và căn dặn:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Các công trình khác
Trong khu du tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, ngoài 4 đền chính được giới thiệu trên, còn có một số công trình phụ trợ khách mà bạn không nên bỏ qua.
Thiên Quang Thiền Tự
Sát cạnh Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, sau đổi là Thiên Quang Thiền Tự.
Chùa xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các nhà: Tiền Đường (5 gian), Thiêu Hương (2 gian), Tam Bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.
Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.
Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê.
Lăng Hùng Vương
Lăng Hùng Vương được đặt ở thế đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt chính quay theo hướng Đông – Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, lăng mộ được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 2009, lăng mộ Hùng Vương được đại trùng tu và tôn tạo mở rộng không gian, cảnh quan thêm khang trang.
Tương truyền đây là Lăng mộ của Vua Hùng thứ 6.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ
Khi tìm hiểu về khu di tích lịch sử đền Hùng có bao nhiêu đền chính, thì chúng ta không thế không nhắc đến đền Tổ Mẫu Âu Cơ. Đền được xây dựng trên núi Vặn, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đền ở độ cao khoảng 170m so với mực nước biển. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ nằm trong “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn. Tất cả du khách sẽ phải choáng ngợp và đắm chìm trong không gian thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ khi đứng từ trên đỉnh đền. Núi Hùng được xây dựng nằm trước núi Vặn. Nhìn từ xa, núi như một con rồng, mình khổng lồ uốn lượn.
Bên Tả có sông Hồng, sông Lô bên hữu. Nhìn bao quát giống như một dải lụa đào, bao bọc ba ngọn “Tổ Sơn” ở giữa. Đền Tổ mẫu là một quần thể kiến trúc bao gồm: Đền chính thờ Mẫu Âu Cơ, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà bia, trụ biểu,… Đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại. Đền có họa tiết trống đồng, cột gỗ có thớt đá kê, mái đền có đầu đao cong vút,… Mỗi người dân khi trở về đây đều mang trong mình cảm giác biết ơn sâu sắc nhớ về cội nguồn dân tộc.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân nằm trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng được xây dựng trên núi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân quay về hướng Tây Nam, theo kiến trúc chữ đinh truyền thống, mang đậm nét cổ kính. Nội thất bên trong được làm tư gỗ lim và sơn son thếp vàng. Nguyên liệu xây dựng đền đều là nguyên liệu tốt, được tuyển chọn tỉ mẩn theo đúng chuẩn mực của ngôi đền linh thiêng, sùng kính.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân có 3 khu: Khu A – Khu chính- Với gần 9000 m2; khu B – 9.400 m2 chuyên đón tiếp, nhà quản lý; khu cảnh quan và công trình phụ trợ với 119.000 m2.
Hằng năm, vào mùng 6/3 âm lịch, là ngày giỗ của cha Lạc Long Quân, con cháu khắp mọi miền đất nước lại nô nức hành hương về cội nguồn thành kính tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, cùng tham dự ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3.
Bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia được xây dựng từ năm 1986 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28-3-1993 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quản lý.
Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cách cổng đền Hùng chừng 100m. Bảo tàng “quốc gia” Hùng Vương là một kiến trúc có thiết kế 2 tầng với gần 1.000m² diện tích xây dựng. Tuy hiện đại nhưng vẫn không thiếu tính dân tộc, vừa đường bệ lại vừa trang nhã, thanh thoát.
Đây là công trình được thiết kế bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn – đất vuông. Đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh Chưng, bánh Dày trong huyền sử dân tộc Việt. Bảo tàng đã giới thiệu một cách sinh động gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tập, tranh gốm, tranh sơn mài, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác, tất cả được trưng bày tại 5 phòng chuyên đề chính, khắc họa và làm nổi bật chủ đề “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.
Chắc chắn những thông tin của bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi đền Hùng có bao nhiêu đền chính. Mỗi khu vực tại Đền Hùng lại gắn liền với sự kiện, mang đậm giá trị lịch sử. Càng khám phá về đền Hùng, chúng ta lại biết thêm được nhiều điều thú vị và càng thêm tự hào về khu di tích này của dân tộc.