Họ Ma người Tày – Dòng họ lâu đời nhất Việt Nam, có rất nhiều truyền thuyết xung quanh cuốn gia phả của dòng họ này. Tuy nhiên, tại Phú Thọ vẫn có những di tích được lưu truyền lại, chứng minh về tính xác thực về lịch sử có từ thời Hùng Vương của dòng tộc này. Cùng Người Phú Thọ tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Nguồn gốc họ Ma người Tày ở Phú Thọ
Họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê, Phú Thọ.
Theo nghiên cứu và ngọc phả dòng tộc họ Ma để lại, Ma Khê – Tộc trưởng dòng họ này đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang.
Sau chiến thắng Ma Khê được Hùng Duệ Vương phong chức “Đại tướng quân” trấn giữ phía tây thành Phong Châu. Đến đời Hùng Duệ Vương thứ II do tài đức và lập nhiều công lớn ông lại được vua phong “Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần Đại Tướng Quân”. Rồi ông được triệu về kinh đô giúp vua trông coi triều chính, trị quốc an dân.
Ma Khê sinh một trai một gái. Con trai là Ma Xuân. Con gái gọi là nàng Huệ, Huệ Nương. Huệ Nương lấy Bảo Công là Lạc tướng đời Hùng Duệ Vương thứ III. Ma Xuân, con cả Ma Khê cũng là tướng nhà Hùng. Ma Xuân sang sông xây thành. Vì là thành của người Tày họ Ma nên gọi là Ma Thành. Tại Phú Thọ vẫn có dấu tích khu vực thành Mè và chợ Mè, bến Mè là bến sông do người họ Ma lập ra.
Dòng họ Ma nay cư trú ở thị xã Phú Thọ, Lâm Thao hậu duệ của bộ tộc ấy hiện có một chi nhánh cư trú ở Việt Trì. Hiếm có dòng họ nào còn lưu giữ được thần phả, gia phả từ thời Hùng Vương như họ Ma ở Phú Thọ. Họ Ma gốc Tày cũng như nhiều họ gốc Mường: Đinh, Quách, Bạch, Hà… là những nhóm cư dân Việt Cổ phát triển lên thành người Kinh.
Hiện nay, họ Ma người Tày đã trải qua 79 đời và tộc trưởng gần nhất là ông Ma Ngọc Bảo (1937 – 2018) ở Việt Trì, Phú Thọ.
Họ Ma người Tày có nhiều truyền thuyết gắn liền với vùng đất Phú Thọ
Có rất nhiều điều mang tính truyền thuyết xung quanh cuốn gia phả dòng họ này, nhưng có những dấu tích vẫn nằm trong dư địa chí miền trung du Phú Thọ. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ, Nguyễn Hữu Nhàn cho biết: “Truyền thuyết về dòng họ Ma gắn liền với thời Hùng Vương thứ 18, đồng thời cũng gắn liền với những ngôi đền thờ, tên núi, tên sông nay vẫn còn tại tỉnh Phú Thọ. Đó là đền Kim Giao thờ ông Ma Khê, tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê”.
Theo lời kể trong Ngọc Phả dòng họ Ma, kể từ sau đời cụ tổ Ma Khê, họ Ma lui về ẩn dật, làm ruộng. Mãi cho đến đời thứ 43, một người con của dòng họ là Ma Xuân Trường (930-966) đã đi vào sử sách nước nhà. Thời điểm đó, nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Vùng phía Bắc do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường.
Trong cuộc chiến 12 sứ quân, Ma Xuân Trường có công giải cứu Kiều Thuận khi đã bị thương. Sau đó Ma Xuân Trường đưa cả họ tộc chạy lên Tuần Quán, Yên Bái thì qua đời tại đây, thọ 36 tuổi. Hiện ở Tuần Quán vẫn còn đền thờ ông.
Ngôi đền ấy giờ đây nằm bình yên, nép bóng bên con đường làng xanh tươi ở làng Trù Mật, thị xã Phú Thọ. Ngôi đền gắn liền với lịch sử thị xã Phú Thọ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia này được xây dựng năm 970 và nay đã được trùng tu nhiều lần. Nơi đây thờ “Cương nghị đại vương” Kiều Thuận và “ Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường.
Họ Ma người Tày – Dòng họ duy nhất còn ngọc phả từ thời Hùng Vương
Theo ông Ma Ngọc Bảo cho biết: “Dòng tộc Ma đã trải qua 79 đời, cũng may thời chiến tranh, khi các bản gốc của gia phả bị thất lạc thì thân sinh của ông là cụ Ma Văn Thực (1917 – 2004) đã kịp chuyển tải tất cả các thông tin sang chữ quốc ngữ. Đến đời tôi, khi được giao giữ trọng trách tộc trưởng đã rút kinh nghiệm hơn, tôi đem sao lưu gia phả thành nhiều cuốn và phát cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái …”
Hiện nay ở đền Trù Mật, TX. Phú Thọ – nơi thờ tộc trưởng thứ 43 của dòng họ Ma là Ma Xuân Trường vẫn còn lưu giữ những cuốn sách đã ngả màu thời gian. Chất giấy cổ từ ngàn xưa đã có phần mủn mục, có cảm giác như chỉ chạm nhẹ tay vào cũng sẽ làm cho tất cả vỡ tan hết. Bởi thế, những gì là lịch sử, là ngọc phả ở nơi đây còn sót lại được người dân nhất là con cháu dòng họ Ma vô cùng nâng niu, gìn giữ và trân trọng.
Nhờ có ngọc phả họ Ma người Tày ở Phú Thọ và cả nước ta càng hiểu hơn về lịch sử nước nhà từ thời Hùng Vương thứ 18 về sau này.
Nhà nghiên cứu sử học Đào Duy Anh đã từng gọi truyền thuyết về Ma Khê của dòng họ Ma là “truyền thuyết khuyết sử”. Nhưng với dòng họ Ma nói riêng thì câu chuyện truyền thuyết ấy lại có ý nghĩa vô cùng to lớn và là niềm tự hào của mỗi người con dòng họ.
Họ Ma người Tày ngày nay có nhiều người đã đổi họ
Dòng họ Ma phát triển qua bao đời hiện nay có số lượng rất đông, sinh sống ở khắp cả nước. Chính vì vậy, từ năm 1902 trở đi, các cao niên trong dòng họ đã họp lại và thống nhất chia nhỏ thành ba nhóm chính để tiện cho việc gặp gỡ và cúng tế tổ tiên. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn, nhiều người thuộc dòng họ Ma, nhưng do các cụ sinh sống trước đây hiểu biết còn hạn chế đã nghĩ rằng họ Ma là xấu, là xui xẻo nên đã đổi thành họ Mai.
Tính đến thời điểm hiện tại, họ Ma người Tày là dòng họ duy nhất tại Việt Nam còn lưu giữ được Ngọc Phả chứng minh cụ tổ của dòng tộc mình đã được sinh ra từ thời Hùng Vương, có công giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước.