Đền Trù Mật được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền hơn 1000 năm tuổi, nơi thờ tự của sứ quân Kiều Thuận và Ma Xuân Trường – vị tướng quân kiệt xuất của dòng họ Ma. Sự linh thiêng, cổ kính, thanh tịnh của ngôi đền chính là điểm hút du khách thập phương đến tham quan, dâng hương và tưởng nhớ những người có công với đất nước. Nếu có cơ hội du lịch Phú Thọ, hãy ghé thăm ngôi đền cổ kính này nhé!
Đền Trù Mật ở đâu?
Đền Trù Mật ở đâu? Đền Trù Mật cách Hà Nội bao xa? Đây là những câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Đền Trù Mật nằm ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100km về phía Tây Bắc.
Đền Trù Mật được xây dựng khi nào?
Theo thần tích đền Trù Mật “Cương nghị thông minh Chiêu huệ Đại vương phả lục” do hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1572, đền Trù Mật được xây dựng và hoàn thành ngày 16/10 năm Canh Ngọ 970 dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng.
Đền Trù Mật còn gọi là đền Lăng, vì vừa là lăng mộ vừa là đền thờ sứ quân Kiều Thuận, đặt ở gò thấp đầu làng Trù Mật giáp với làng Phú An.
Đền Trù Mật thờ ai?
Đền Trù Mật thờ Kiều Công Thuận, một thủ lĩnh xứ quân ở thành Hồi Hồ thuộc huyện Cẩm Khê và Ma tộc thần tướng Ma Xuân Trường.
Theo ngọc phả họ Ma trong lịch sử thị xã Phú Thọ và tài liệu văn hoá dân gian, tại vùng Ma Khê, Kiều Thuận xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hoá, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng, các dòng họ ở Ma Khê và vùng lân cận tạo thành căn cứ địa vững chắc.
Cảm phục trước tài cao đức trọng của các vị tướng quân, nhân dân hai làng Phú An, Trù Mật đã lập đền thờ Kiều Thuận và Ma Xuân Trường để thường xuyên hương khói tưởng nhớ người có công với nước với dân. Người dân làng Phú An còn tôn vinh Kiều Thuận làm thành hoàng, thờ ở đình làng, Ma Xuân Trường là Ma tộc thần tướng.
Năm canh ngọ 970, sau khi lên ngôi vua Đinh Bộ Lĩnh đã ban sắc truy phong cho ông là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”. Các triều đại phong kiến về sau cũng lần lượt ban sắc truy phong cho Kiều Công Thuận từ năm 1601 đến thời Tây Sơn 1794 đã có 10 đạo sắc cho ông.
Triều Trần Thái Tông năm 1254 ban sắc phong “Vị quyền Thần” và xếp hạng Đền Trù Mật là “Thượng Đẳng tối linh từ”. Triều vua Thánh Tông- niên hiệu Hồng Đức năm 1470 ban sắc “Cương nghị thông minh Chiêu huệ đại vương”. Triều vua Dực Tông – niên hiệu Tự Đức thứ 9 ban sắc “Thượng đẳng phúc thần”…
Tương truyền về Cương nghị đại vương thượng đẳng thần và Ma tộc thần tướng
Kiều Thuận là một vị sứ quân đặc biệt, ông là cháu nội Kiều Công Tiễn. Gia tộc họ Kiều của ông vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu. Khi Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền đánh bại, Ông kế thừa gia sản họ Kiều, xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hoá, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng miền núi. Kiều Thuận trở thành một sứ quân mạnh, có địa bàn rộng lớn và vững chắc ở xa các sứ quân khác.
Khi xảy ra biến cố ở Kinh đô Cổ Loa năm 944, vua Ngô Quyền mất, tướng Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền giành ngôi. Kiều Công Thuận chạy về đất Ma Khê rồi liên kết với tộc trưởng Ma Xuân Trường ở Phú An, dựng đồn binh ở bãi sông, lập ấp định cư ở Trù Mật, dần dần hình thành nên lực lượng vững chắc cát cứ tại địa phương.
Trong thời gian cai trị đội quân của Kiều Thuận và Ma Xuân Trường đã giúp dân làng khỏi thảm cảnh chém giết, cướp bóc của các lực lượng đối nghịch khác; mở mang nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Người dân nơi đây được hưởng ấm no hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi bị Đinh Bộ Lĩnh tấn công dẹp loạn 12 sứ quân, ông đã tự đào mồ tuẫn tiết; cái chết của ông góp phần đem lại sự thống nhất các lực lượng phân tán để lập lên nhà nước Đại Cồ Việt. Cảm phục trước tài cao đức trọng của hai ông, nhân dân 2 làng đã lập đền thờ tại Trù Mật để thường xuyên hương khói.
Khám phá không gian kiến trúc của đền Trù Mật
Đền Trù Mật nằm ở hướng Đông Nam có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 2 tòa đại bái và hậu cung. Trong đến còn lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật quý hiếm như đỉnh hương, lư hương, sập thờ, ngai thờ, bài vị kiểu bát cống, hoành phí,…
Trên long ngai thờ Kiều Thuận có khắc 4 chữ vàng “Quang hiển quốc vương”, đây là lời văn ca ngợi Kiều Thuận, đồng thời cũng răn dạy người đời hãy noi gương ông tu tâm tích đức sống vì dân nước, vì nghĩa đời cao cả.
Dù trải qua hơn 1000 năm lịch sử, đền Trù Mật vẫn tồn tại như một nhân chứng lịch sử. Quan sát từ bên ngoài, đền thờ Trù Mật nổi bật với hình ảnh mái ngói được chạm trổ hình rồng, cổ kính, uy nghi.
Những lễ hội tại đền Trù Mật
Trải qua hơn nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, hình ảnh uy phong lẫm liệt trong chiến đấu bảo vệ dân lành của Đức đại vương Kiều Công Thuận và Ma Vương Thần Tộc Ma Xuân Trường vẫn sáng tỏ trong những trang Thần tích, Thần sắc, Ngọc phả.
Nhân dân hai làng Phú An và Trù Mật bao đời nay vẫn cùng nhau xây dựng, tu tạo, gìn giữ và hương khói trong ngôi đền.
Để tưởng nhớ công ơn, bên cạnh ngày lễ kỷ niệm ngày sinh ngày mất của Kiều Công Thuận và Ma Xuân Trường, nhân dân hai làng Trù Mật, Phú An và xóm Khuân còn cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền Trù Mật vào ngày 16, 17 tháng 10 âm lịch hàng năm. Ban ngày tổ chức lễ bái và một số trò chơi như đánh cờ, chọi gà, kéo co…; ban đêm tổ chức văn nghệ như xưa. Đầu tiên là khởi lễ, dân làng tổ chức đốt gạo trong ống tre lam, có cá mòi, tương truyền đây là lương thực và thực phẩm của binh lính Kiều Thuận xưa kia khi xuất quân.
Kiều Thuận và Ma Xuân Trường là những người có công góp phần vào sự thống nhất đất nước. Hàng năm, đền Trù Mật thường xuyên tiếp đón hàng nghìn du khách vào mùa lễ hội. Không chỉ đến để cầu nguyện mà du khách còn đến tưởng niệm những người có công với dân tộc.