Kiều Thuận là một sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân của lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 10. Nhưng tại sao lại được Đinh Bộ Lĩnh sắc truy phong là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”, hãy cùng Người Phú Thọ tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Sứ quân Kiều Công Thuận là ai?
Sứ quân Kiều Thuận, hiệu Kiều Lệnh công hoặc Quang Hiển quốc vương là một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 10. Ông thuộc dòng họ Kiều, chiếm Hồi Hồ, cùng với người anh Kiều Công Hãn chiếm Phong Châu, vùng đất thuộc Phú Thọ, Việt Nam ngày nay.
Trong số các sứ quân, Kiều Thuận là đại diện cho lực lượng đối địch với cả 2 triều nhà Đinh và nhà Ngô.
Theo thần phả, dòng họ Kiều vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu. Cha của Kiều Thuận tên Kiều Công Chuẩn là nha tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, trấn thủ Phong châu. Có ông nội là Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn – Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cuối cùng của nhà Đường cai trị lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ tự chủ.
Ông nội Kiều Thuận, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ, không đồng tình với việc làm của cha nên bố của Kiều Thuận là Kiều Công Chuẩn mang theo anh của Kiều Thuận là Kiều Công Hãn vào Ái châu cùng Ngô Quyền. Lúc đấy chỉ có mình Kiều Thuận đồng tình với ông nội ở lại giúp sức.
Tuy nhiên, vào năm 938, quân của Ngô Quyền đã kéo ra bắc, hạ thành Đại La và giết chết Công Tiễn. Ông nội bị giết Kiều Thuận bỏ Đại La về xây dựng căn cứ ở Hồi Hồ, thuộc địa phận huyện Cẩm Khê ở phía bắc Phú Thọ ngày nay.
Theo thần tích còn lưu lại tại viện Hán Nôm còn ghi chép rằng Kiều Thuận lấy một bà vợ họ Mai, húy Trinh Nương người Trương Xá, Hạ Hòa và trước khi qua đời bà đã để lại một di thư một mực khuyên sứ quân Kiều Thuận theo ý Trời quy phục Đinh Bộ Lĩnh để dân tránh khỏi nạn binh đao, chết chóc.
Sứ quân miền núi cương nghị quân
Theo tộc phả họ Ma ở thị xã Phú Thọ và tài liệu văn hoá dân gian, Kiều Thuận tại vùng Ma Khê đã xây dựng, tạo thành căn cứ địa vững chắc. Ông cho quân xây căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hoá, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng, các dòng họ ở Ma Khê. Đội quân của Kiều Thuận có tới vài vạn người, tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, trên dưới một lòng được mệnh danh là “Cương Nghị quân”; luân phiên nhau vừa luyện tập, tuần tra canh gác, bảo vệ lãnh địa, vừa sản xuất bảo đảm lương thực nuôi quân, vừa thường trực cơ động sẵn sàng chiến đấu.
Trong quá trình cai trị vùng đất từ Ma Khê đến Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Kiều Thuận đã giúp người dân ở đây có cuộc sống ấm no, yên ổn, nông nghiệp mở mang, nơi nơi đều an cư lạc nghiệp, thế lực vững vàng, uy danh vang dội, khiến các sứ quân khác phải nể phục.
Giai đoạn từ năm 966 đến năm 968, sách Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước cũng chỉ khẳng định sứ quân Kiều Thuận bại trận và bị giết chứ không thuộc số các sứ quân về hàng hoặc quy thuận Đinh Bộ Lĩnh.
Sau khi mất, vua Đinh Bộ Lĩnh vì thán phục uy đức mà truy phong Ma Xuân Trường là Ma tộc thần tướng và Kiều Thuận là Cương nghị đại vương thượng đẳng thần.
Nơi thờ phụng Cương nghị đại vương thượng đẳng thần Kiều Thuận
Kiều Thuận còn được thờ ở đền Trù Mật, Xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Theo thần tích đền Trù mật “Cương nghị thông minh Chiêu huệ Đại vương phả lục” do hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1572, đền Trù Mật được xây dựng và hoàn thành ngày 16/10 năm Canh Ngọ 970 dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng.
Tương truyền, khi bị Đinh Bộ Lĩnh tấn công, ông đã tự đào mồ tuẫn tiết; cái chết của ông góp phần đem lại sự thống nhất các lực lượng phân tán để lập lên nhà nước Đại Cồ Việt. Trong ngôi đền Trù Mật, trên long ngai thờ Kiều Thuận có bốn chữ vàng “Quang hiển quốc vương”, phía dưới có dòng chữ Hán tạm dịch là: Đại vương vạn đại thông minh sáng suốt, làm rõ nền kỷ cương chính sự, tôn nghiêm rộng mở, che chở giúp đời, yêu dân tỏ rõ, linh thiêng báo ứng, giúp kẻ sĩ giáng phúc ban ơn, uy nghi mạnh mẽ, tài giỏi vì đời, thương người, lòng cung kính thẳng ngay, thể long trời, kính giang sơn, ơn sâu tưới nhuần, sáng ngời nhân đức, phúc ban nơi nơi, lòng nhân rộng mở, võ nghệ tài trí mạnh mẽ, rực rỡ khí tiết, tu văn, luyện võ, sáng tỏ thành tâm, khắc ghi công đức.
Trải qua hơn nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, hình ảnh uy phong lẫm liệt trong chiến đấu bảo vệ dân làng của Đức đại vương Kiều Công Thuận vẫn sáng tỏ trong những trang Thần tích, Thần sắc, Ngọc phả và nhân dân quanh vùng.
Hằng năm vào ngày 4 tháng Giêng, ngày 18 tháng 2 âm lịch và ngày 16 tháng 10 âm lịch, nhân dân 2 làng Trù Mật và An Phú tổ chức lễ để tưởng niệm ngày sinh, ngày mất, ngày lập đền thờ ông.
Trong hơn 20 năm cai trị, sứ quân Kiều Thuận đã có công rất lớn trong việc trừ ác, diệt tà bảo vệ người dân khỏi thảm cảnh chém giết, cướp bóc của các lực lượng đối nghịch khác; Giúp nhân dân quanh vùng mở mang nông nghiệp, “an cư lạc nghiệp”. Chính uy danh lẫy lừng này của ông khiến Đinh Bộ Lĩnh nể phục sau đó truy phong “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”.