“Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Vâng! Đó là tất cả tình cảm của những người con đất Việt hướng về các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Vì thế cứ đến dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, mỗi người dân Việt Nam lại tưởng nhớ về một thời lập quốc, biết ơn những công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Vậy lịch sử dựng nước của vua hùng dưới góc nhìn của một thời đã qua như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Sơ lược về thời đại Hùng Vương
Hùng vương là thời đại mở đầu thời kỳ dựng nước, gồm 18 triều đại, kéo dài hơn 2600 năm. Lịch sử dựng nước của vua hùng mang một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử. Đây cũng là thời đại hình thành nên những giá trị văn hóa thời tiền sử của dân tộc Việt Nam. Những nghiên cứu về thời đại Hùng Vương cho thấy: Mọi người dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều có chung một nguồn cội, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng chảy xuyên suốt. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp gắn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất, đưa đất nước thoát khỏi muôn vàn khó khăn thử thách để phát triển cho đến ngày nay.
Lịch sử dựng nước của Vua Hùng Vương thời xa xưa như thế nào?
Lịch sử dựng nước của Vua Hùng Vương là thời đại tiếp nối của thời kỳ thị tộc bộ lạc sang thời kỳ có sự phân hóa giai cấp và xuất hiện nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Theo sử sách ghi lại vào khoảng TK VIII – VII TCN những bộ lạc có sự tương đồng về tiếng nói cũng như phương thức hoạt động về kinh tế đã được hình thành ở vùng đồng bằng ven sông lớn thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Lần theo thời gian công việc sản xuất ngày càng phát triển trong các chiềng, chạ; một số người giàu được tôn làm người đứng đầu để trông coi mọi việc, ngược lại một số người nghèo khổ phải rơi vào cảnh nô tì.
Trong thời điểm này không chỉ xảy ra xung đột giữa người Lạc Việt với các tộc người khác mà còn giữa các bộ Lạc Việt với nhau. Lúc bấy giờ, tại vùng Gia Ninh (Phú Thọ), có một vị thủ lĩnh dùng tài năng của mình để khuất phục các bộ lạc và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Bạch Hạc (Phú Thọ), đặt tên nước là Văn Lang.
Trong thời kỳ đầu dựng nước Văn Lang có 18 vị vua Hùng Vương trị vì từ năm 2879 đến năm 258 TCN được chia thành hai giai đoạn chính gồm: Nhà nước Văn Lang và Nhà nước Âu Lạc.
Hùng Vương đầu tiên của nước Văn Lang là Chi Cán có hiệu là Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục. Vị vua đầu tiên này giữ vương quyền 86 năm (từ 2879 – 2794 TCN). Hùng vương thứ hai là Lạc Long Quân (2793 – 2525) hiệu Sùng Lãm lấy con gái của vua Đế Lai tên là Âu Cơ. Hùng vương thứ ba húy là Hùng Quốc. Như vậy, các vị vua thay nhau làm chủ điều hành đất nước đầu tiên của dân Việt (Lạc Việt) tới đời vua thứ 18 là vị vua cuối cùng thuộc Chi Qúy hiệu Hùng Duệ Vương húy Huệ Lang (408 – 258 TCN )
Cấu trúc và đặc điểm của nhà nước Văn Lang
Nước Văn Lang ra đời cách đây bao nhiêu năm? Theo truyền thuyết ghi chép lại, Nhà nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây dân gian coi nước Văn Lang thời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến.
Ban đầu khi mới thành lập thì nhà nước Văn Lang còn rất sơ khai với bộ máy tổ chức nhà nước vô cùng đơn giản. Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, theo hình thức cha truyền con nối. Về bản chất sâu xa, Hùng Vương chỉ là một thủ lĩnh cao nhất trong cộng đồng các bộ lạc được các tù trưởng bộ lạc tôn sùng và nghe theo. Chính vì thế Vua Hùng được hiểu nôm na là người tù trưởng của bộ lạc lớn nhất trong tất cả các bộ lạc ở nước ta thời bấy giờ và cũng là bộ lạc giữ vai trò cầu nối liên kết các bộ lạc khác lại với nhau. Các bộ lạc thống nhất liên minh lại đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang. Hùng Vương là thủ lĩnh và là người đứng đầu nhà nước sơ khai này.
Nhà nước Văn Lang bao gồm 15 bộ lạc hợp thành, đứng đầu các bộ lạc là Lạc hầu, Lạc Tướng giúp việc cho vua. Dưới bộ là các công xã nông thôn do già làng cai quản. Như vậy, nhà nước Văn Lang chỉ là một hình thái nhà nước sơ khai, cấu trúc nhà nước còn lỏng lẻo chưa chặt chẽ.
Lịch sử dựng nước của vua Hùng gắn liền với thời đại có mặt hạn chế về trình độ kinh tế, văn hóa và các hoạt động xã hội hết sức sơ khai. Bộ máy nhà nước chưa chặt chẽ từ trung ương đến địa phương nhưng đó là thời vàng son của dân tộc ta. Lịch sử đó tạo nên những truyền thống quý báu được kế thừa cho đến ngày nay: Sự cần cù, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất; tinh thần đoàn kết trong chống giặc ngoại xâm, lòng tương thân, tương ái,.. Những truyền thống đó là nền móng vững chắc tạo nên những người con của đất Việt dám đương đầu vượt qua những khó khăn thử thách góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.