Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn để cả nước cùng hướng về cội nguồn cùng lòng biết ơn tới các vị vua Hùng. Lễ hội mang truyền thống lâu đời, giàu văn hóa và giá trị của cả dân tộc. Tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc ra đời, đặc trưng của Lễ hội đền Hùng Phú Thọ khiến chúng ta thêm tự hào về quê hương, đất nước.
Nguồn gốc ra đời của lễ hội đền Hùng Phú Thọ
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu ca dao thật thấm thía, ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ. Lễ hội đền Hùng Phú Thọ là nơi hội tụ của sự thành kính, tôn nghiêm.
Giỗ tổ diễn ra vào ngày nào?
Tương truyền rằng, Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là tổ tiên của người Việt khi sinh ra bọc trăm trứng và dẫn 50 người con lên rừng, 50 người xuống biển. Những người con của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ cùng nhau khai thiên lập địa, khai phá các vùng đất mới, xây dựng cuộc sống mới.
Ngày 10/3 được xem là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, diễn ra tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước ngày lễ lớn, hội đền Hùng bắt đầu cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân gian sôi nổi. Giỗ tổ Hùng Vương kết thúc vào đúng ngày 10/3 âm lịch hàng năm với Lễ rước kiệu, dâng hương tại Đền Thượng.
Lễ hội đền Hùng Phú Thọ tạo thành một ý niệm thành kính với mỗi người Việt. Theo bản Ngọc phả thời Trần, đời vua Lê Thánh Tông năm 1470, tiếp đến là đời vua Lê Kính Tông năm 1601 nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
Ngày Giỗ tổ qua các thời kỳ lịch sử
Bắt đầu từ thời Hậu Lê ngày 10 tháng 3 âm lịch người dân thực hiện các nghi lễ cúng bái. Đến đời nhà Nguyễn, Tuần phủ Lê Trung Ngọc đã trình lên bộ Lễ lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch để làm ngày Quốc lễ.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945) chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trong một lần về thăm đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962), chủ tịch Hồ Chí Minh có nói:” Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Ý nghĩa của lễ hội đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng là ngày toàn dân hướng một lòng về cội nguồn. Mọi trái tim như cùng chung một nhịp đập, hướng về ngày Giỗ tổ. Người dân được hòa mình vào các hoạt động ý nghĩa của lễ hội đền Hùng, mang bản sắc Việt, cùng nhau thể hiện lòng thành kính tới các vị vua Hùng.
UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa Thế Giới mang nhiều giá trị theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Cũng theo các chuyên gia của UNESCO đáp ứng đủ các tiêu chí: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ còn là dịp chúng ta quảng bá di sản văn hóa tới Thế Giới với nhiều dấu ấn vô cùng độc đáo, tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với bao thế hệ người Việt. Do đó, ý nghĩa của lễ hội đền Hùng đã ăn sâu vào tiềm thức và tâm hồn của người Việt.
Nét đặc trưng của lễ hội đền Hùng
Nét đặc trưng của lễ hội đền Hùng gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội
Phần lễ
Phần này được cử hành rất trang trọng. Lễ vật được dâng cúng “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Ngay sau khi kết thúc một hồi trống đồng, các vị chức sắc sẽ tiến hành các nghi thức của phần lễ. Các vị bô lão sẽ tế lễ xung quanh đền Hùng. Cuối cùng, các du khách được vào trong các đền thờ để dâng hương và tưởng nhớ các vị vua Hùng.
Phần hội
Tiếp tục phần lễ là phần hội. Lễ hội đền Hùng tổ chức các cuộc thi kiệu góp phần tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Kiệu nào đoạt giải nhất được rước lên đền Thượng đế triều đình cử hành tế lễ. Mỗi đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu liền nhau. Các kiệu được sơn son thiếp vàng và trạm trổ rất đẹp mắt.
Ở đền Hạ thường diễn ra các hoạt động ca trù. Ngoài sân đền Hạ có đu tiên. Mỗi bàn đu tiên có các cô gái Mường trẻ đẹp, luân phiên nhau thực hiện các vòng đu quay đẹp mắt, nhịp nhàng. Còn các đám trai gái khác cùng nhau tụm năm, tụm bảy trổ tài hát ví, đối đáp,…Tại đền Hùng cũng diễn ra các trò chơi văn hóa dân gian như: ném côn, đấu vật, chọi gà,…
Lễ hội đền Hùng Phú Thọ là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự thịnh vượng của dân tộc. Trải qua bao đời nay, dân tộc ta vẫn luôn gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp tưởng nhớ về các vị vua Hùng trong ngày Giỗ tổ mùng 10/03. Đây cũng là một biểu tượng đẹp, mang ý nghĩa thiêng liêng cần được phát huy và lưu truyền tới mọi thế hệ sau này cùng biết!