Sông Lô đi vào lòng người bằng những lời thơ, câu hát thấm đẫm trữ tình, dòng sông huyền thoại này còn là “bản anh hùng ca” bất tử soi sáng những chiến công lẫy lừng của Quân đội ta. Tượng đài chiến thắng sông Lô nghiêng bóng dưới dòng lô Giang là chứng tích cho 1 thời hoa lửa của dân tộc.
Tượng Đài Sông Lô minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc
Cách đây 74 năm về trước, tháng 10 năm 1947, trên dòng Lô giang đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và quân dân Phú Thọ nói riêng.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp bội ước trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân “trường kỳ kháng chiến”.
Năm 1947, sau khi bình định được một số vùng ở đồng bằng và trung du – Bắc bộ, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, trên cơ sở đó phá huỷ căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Đánh lên Việt Bắc, địch còn nhằm khóa chặt biên giới Việt – Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa ta với quốc tế.
Với tinh thần cảnh giác và chủ động ngăn chặn cuộc tiến công của thực dân Pháp, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của TW Đảng và Bác Hồ đã chủ động xây dựng phòng tuyến, bố trí trận địa để sẵn sàng đón đánh địch, không cho chúng có đường tháo chạy. Quân và dân ta đã chọn địa điểm xã Chí Đám thuộc huyện Đoan Hùng là nơi quân giặc sẽ tiến từ Việt Trì lên chiến khu Việt Bắc trên dòng sông Lô là địa điểm tổ chức chiến đấu chặn đánh quân Pháp, bẻ gãy gọng kìm trên đường thuỷ.
Chiến thắng Sông Lô đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới. Chiến thắng lịch sử này đã bẻ gãy một trong ba gọng kìm quan trọng của thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến của ta đó là Trung ương Đảng và Bác Hồ.
“Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa” – Trường ca sông Lô – Văn Cao
Thời gian đã trôi qua nhưng chiến công lịch sử trên dòng sông Lô vẫn còn âm vang mãi cùng dân tộc; cùng với những địa điểm đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt, cam go và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Để ghi nhớ chiến công hiển hách, đi vào lịch sử sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng Sông Lô. Quân và dân Phú Thọ đã xây dựng tượng đài Chiến thắng Sông Lô nhằm giáo dục con cháu đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây. Di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô được xây dựng tại thị trấn Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.
Ngày 27 tháng 9 năm 1997 bộ VHTT (Nay là Bộ VHTTDL) đã chứng nhận Tượng đài chiến thắng sông Lô trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cùng với các địa điểm lịch sử liên quan đến chiến thắng Sông Lô như: Ngã ba Đầu Lô; Khu vực tổ chức trận địa nghi binh năm xưa là dải đất nằm dọc ven làng Hữu Đô bên tả ngạn sông Lô dưới chân núi Đồn; Địa điểm thả thuỷ lôi giả; Nơi đặt khẩu pháo cao xạ 75 ly của Trung đội 200 do Trung đội trưởng Trần Thái Quang chỉ huy bờ sông bên hữu.
Tượng đài chiến thắng sông Lô – Tột cùng bi tráng
Tượng đài Chiến thắng Sông Lô nằm trên núi Đồn ngay ngã ba sông Lô – sông Chảy. Phía Bắc là dòng sông Chảy có cây cầu Đoan Hùng. Phía đông là vùng ngã ba sông hiền hòa thơ mộng. Phía Nam là hướng dòng sông Lô chảy xuôi về hạ lưu. Phía Tây là khu dân cư đông đúc của thị trấn Đoan Hùng .
Khu vực xây dựng tượng đài có diện tích 19.300m2, trong đó diện tích mặt bằng quy hoạch xây dựng trên đỉnh núi là 2.537,5m2. Tượng đài được xây dựng theo mẫu thiết kế của nhà điêu khắc quân đội Tạ Quang Bạo.
Quy hoạch di tích tượng đài được tạo mặt bằng và kè đá mang hình cánh cung cao vút về phía trước trông giống như một con tàu đang lao tới phía dòng sông. Hai bên và phía sau là đường dạo tham quan có lan can thấp. Bên trái xây theo đường cong có những đoạn gấp khúc thể hiện ý nghĩa lịch sử: Chiến thắng sông Lô đã bẻ gãy gọng kìm chiến lược của thực dân Pháp. Đó là những đường cong tượng trưng cho những gọng kìm bị cắt vụn bởi những đoạn thẳng ghép lại.
Giữa trung tâm là đài chiến thắng mang hình tượng một ngọn lửa cháy bất diệt đang tỏa lên bầu trời nguồn năng lượng vô tận của Chiến thắng Sông Lô với chất liệu gò đồng. Thân đài được thiết kế rất nhiều góc cạnh đồ sộ và được ốp bằng những viên gạch nhám có màu hồng nhạt xếp khít với nhau. Hai bên tượng đài là biểu tượng của thân tàu, phía dưới những con sóng tung lên, tháp tượng đài tượng trưng cho ngọn lửa bất diệt, bên 4 mặt tháp là 4 bức phù điêu miêu tả khái quát về tinh thần chiến thắng sông Lô và bản sắc văn hóa đồng bào Tây Bắc.
Hơn là 1 chứng tích lịch sử còn là 1 tác phẩm nghệ thuật giá trị
Tượng đài chiến thắng sông Lô là một công trình nghệ thuật hoành tráng đầy ấn tượng. Nó mang trong mình sứ mệnh lịch sử của dân tộc của một cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh chống giặc ngoại xâm với đầy sức biểu cảm về ý nghĩa và giá trị của chiến thắng sông Lô oanh liệt lẫy lừng.
Nhà điêu khắc quân đội Tạ Quang Bạo là nhà thiết kế chính của Tượng đài chiến thắng sông Lô. Các tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là “gam màu” khác về chiến tranh, nhưng cũng không kém phần khốc liệt, “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tạo lập phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, các tượng đài của Tạ Quang Bạo hầu hết có chung đề tài về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang; tinh thần nhân văn về hình tượng người chiến sĩ và sự khốc liệt của cuộc kháng chiến của dân tộc.
Nhóm tượng chiến thắng sát với chân đài hướng về dòng sông Lô gồm 5 nhân vật tiêu biểu cho các thành phần, các lực lượng đã anh dùng tham gia chiến đấu làm nên chiến thắng sông Lô đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc:
- Tượng số 1: (Phía trước bên phải) hình ảnh bộ đội đang trong tư thế đứng hiên ngang diễn tả tư thế chiến thắng của người chiến sĩ sông Lô
- Tượng số 2: (Phía sau bên trái) người lính cụ Hồ với hình ảnh giản dị “Dép lốp, mũ nan, áo trấn thủ” nhưng hiên ngang, bất khuất sẵn sàng chiến đấu
- Tượng số 3: (Ở giữa nhóm tượng) hình ảnh một nữ du kích một tay cầm chắc gậy dài, mặt hướng thẳng về phía trước trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
- Tượng số 4: Thể hiện một chiến sĩ trẻ đầu đội mũ ca nô, mặc áo trấn thủ có đeo lựu đạn sau lưng. Hai tay ôm quả lựu pháo lớn, chân trái đặt trên bệ pháo.
- Tượng số 5: (Sau cùng) là hình ảnh người chiến sĩ đứng trên khẩu pháo đang vươn nòng xuống dòng sông Lô.
Hai bên tượng đài là hai biểu tượng thân tàu và những đợt sóng vút cao nhằm thể hiện hình tượng lịch sử: Con tàu chiến thắng chở sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam đang rẽ sóng ra khơi theo dòng chảy của lịch sử.
Toàn bộ nhóm tượng đài được dựng trên diện tích đất mang hình mũi của một con tàu đang chuẩn bị hướng xuống dòng sông lao tới.
Trong hành trình hơn 70 năm dựng xây và phát triển, quân và dân Đoan Hùng đã làm nên những kỳ tích tô thêm truyền thống vẻ vang của quê hương. Dòng Lô giang xanh thẳm đã là mồ chôn của biết bao giặc Pháp, nhấn chìm dưới đáy sông biết bao tàu chiến và súng pháo của kẻ thù. Nơi đây đã trở thành bản trường ca lịch sử về ý chí và tinh thần dân tộc.
Vẫn còn đây âm hưởng hùng tráng và tự hào Tượng đài chiến thắng sông Lô soi bóng xuống dòng sông Lô xanh thẳm. Vẫn còn đây những tấm bia lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt bên dòng Lô. Tất cả như lời hiệu triệu của non sông đất nước vọng về tiếp sức cùng nhau phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.