Xã Dị Nậu, huyện Tam Nông là một trong những làng Việt cổ có niên đại hàng nghìn năm. Đây cũng là vùng đất có nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc. Trong số đó, tiêu biểu là ngôi đền cổ hơn 2300 tuổi mang tên Đền quốc Tế, đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn lưu giữ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Lịch sử hình thành Đền Quốc Tế
Truyền thuyết kể rằng, trước ngày xuất quân đi đánh giặc bỗng xuất hiện hai ân thần: Một người đi tới xưng là Bản cảnh Thành hoàng Sơn Động, còn người kia bước từ trong giếng Nến ra xưng là con của Lạc Long Quân.
Cả hai ngài một lòng âm phù để giúp Sơn Thánh dẹp giặc. Khi Sơn Thánh cùng ba ông (Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang) dẫn quân đến châu Đại Man lại gặp được ngài Bạch Thạch dẫn quân đến, xin kết giao tình bằng hữu để cùng đánh giặc. Khi dẫn quân đến trang Dị Nậu, châu Tam Nông, gặp một khu địa thế ở Trạm Lĩnh. Thấy núi ở đây trùng điệp, sông chảy quanh co, núi không cao mà cát đá mịn màng, sông có tình mà bến bãi tiện nghi. Đây đích thực là 1 thắng cảnh hiếm có.
Hôm ấy Sơn Thánh và ba ông sai binh sĩ cùng nhân dân lập một đồn lớn tại đây, quan sát được 4 phía Đông – Tây – Nam – Bắc và dựng thêm 4 chiếc lầu. (Sau này những nơi đó được nhân dân xây dựng đền Thượng – đền Quốc tế cùng 4 ngôi điện: Điện Đông, Điện Tây, Điện Nam, Điện Bắc vào năm 258 TCN).
Khi ấy phụ lão và nhân dân Dị Nậu ai nấy đều kinh ngạc, bèn sửa lễ xin làm thần tử, được ba ông đồng ý. Ba ông lấy người trong các họ Tạ, Nguyễn, Đinh, Đặng, Lê, Trần ra thi tuyển để chọn người tài, được hơn 200 người, chia làm 4 đội, bảo vệ 4 lầu, thường xuyên tuần phòng, ứng chiến với quân địch ở phía sau.
Đánh tan quân giặc, đất nước thái bình, các ông lại trở về Dị Nậu, phụ lão và nhân dân vui mừng khôn xiết, làm lễ bái tạ, ai cũng cảm phục công đức của các ông. Nhân dân xin lấy đồn sở của các ông hiện có làm nơi thờ tự về sau.
Sau đó các ông Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang, Bạch Thạch lần lượt hóa Thánh tại phủ đường trên đỉnh gò Trạm Lĩnh. Dân làng làm biểu tâu lên triều. Vua sai đình thần trở về trang Dị Nậu tu tạo miếu điện, ban sắc phong cho các vị là “Thượng đẳng phúc thần”. Khi đóng quân ở trang Dị Nậu, ngoài việc huấn luyện quân sĩ, các Ngài còn thường xuyên dạy dân cày cấy, săn bắn, đánh cá, chăn nuôi, làm thủy lợi và bày ra trò chơi “Cướp kén” để trang Dị Nậu nhanh chóng trở thành “làng lớn” chống chọi với thiên tai, địch họa.
Nhiều năm về sau, do có linh ứng hiện nên được các bậc đế vương ở các triều gia phong mỹ tự. Đến đời Lê Thái Tổ gia phong mỹ tự là “Tế thế hộ quốc cương nghị anh linh”. Ban sắc cho trang Dị Nậu tu sửa miếu điện làm nơi thờ phụng các Ngài.
Đền Quốc tế lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm
Qua các triều đại, Đền Quốc Tế đã tấn phong 41 đạo sắc phong cho các đức thánh thần được thờ cúng ở đền và các miếu điện ở trang Dị Nậu. Các sắc phong đó hiện còn nguyên vẹn, được gìn giữ cẩn thận tại đền Quốc Tế.
Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật phong phú, quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê.
Đáng chú ý là kiệu bát cống với kỹ thuật đục bong, chạm nổi, chạm thủng điêu luyện, đường nét tinh tế, được sơn son, thếp vàng.
Đền Quốc tế đã tồn tại hơn 2300 năm và đã được sửa chữa nhiều lần, không chỉ là chốn tôn nghiêm để thờ phụng, tri ân đến các bậc Thánh nhân đã có công với đất nước, nhằm hướng mọi người tới những điều từ bi, bác ái, trồng phúc cho hậu nhân. Nơi đây còn diễn ra những cuộc họp bí mật của cán bộ xã, nơi chỉnh cán, luyện quân của du kích, bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đền Quốc Tế – Giá trị văn hóa tinh hoa nhất được lưu giữ tại đây
Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Cao Sơn, hàng năm tại đền Quốc Tế nhân dân xã Dị Nậu tổ chức Lễ hội. Phần Lễ tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ như: rước Kiệu, Tế lễ, Dâng hương. Phần hội với các trò chơi dân gian từ thời Hùng Vượng mang giá trị văn hóa lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã nơi đây như:
Tích trò Bách nghệ trình làng các tiểu phẩm hài tái hiện bức tranh cuộc sống của người dân với muôn sắc màu từ làm nông, làm sơn, đến dạy học… Đây là những nghề đã gắn bó bao đời với người dân, đã trở thành nét đẹp văn hóa, ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân.
Cướp kén bán ngài trò chơi xuất phát từ tình hình thực tế từ xa xưa dân số trong làng quá ít, đất rộng, người thưa, núi rừng rậm rạp có nhiều thú dữ, thiên tai, địch họa luôn đe dọa đến cuộc sống của người dân. Cho nên thông qua trò chơi Cướp Kén là thể hiện niềm mơ ước chính đáng của mọi người để được sinh con, đẻ cái, nối dõi tông đường, tạo nên dân đông, làng lớn để có đủ khả năng chống chọi với mọi sự hiểm nguy luôn rình rập từ bên ngoài, để cho dân làng mãi mãi phát triển.
Trò chơi Cướp Kén mang tính phồn thực đã tự khẳng định nhân sinh quan về những khát vọng muôn thuở, đáng yêu của mọi kiếp người! Trò chơi Cướp kén là một trò chơi dân gian đặc sắc, một nét đẹp của văn hóa làng đã gắn bó với cộng đồng dân cư qua bao đời nay. Trò chơi đã thể hiện trí tưởng tượng, cách ứng xử sáng tạo của ông cha ta từ xa xưa giữa những quan niệm “thiêng” và “tục”, “đạo” và “đời” trong cuộc sống đời thường.
Đền Quốc Tế là một di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản tinh thần vô giá đã đi sâu vào đời sống tâm linh, gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây từ ngàn đời nay. Chính vì vậy, mong rằng người Phú Thọ nói chung, người Dị Nậu nói riêng sẽ luôn bảo tồn, tôn vinh và phát huy để những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc ấy còn mãi với thời gian.