Phú Thọ là đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, các Vua Hùng đã lập nên quốc gia Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của nước ta. Nhằm thể hiện lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng, những sản vật khắp nơi được lựa chọn kỹ càng dâng lên kính lễ. Trong đó, không thể thiếu trong ngày giỗ tổ là chiếc bánh giầy Chí Tiên đẹp, thơm, ngon.
Nguồn gốc của bánh giầy Chí Tiên
Xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba được biết đến với nhiều doanh nhân, danh tướng và đặc biệt là di tích quốc gia Đền Du Yến. Nơi đây còn được biết đến với nghề làm bánh giầy đã được lưu truyền từ nhiều đời với vị dẻo thơm đặc biệt không phải nơi nào cũng có.
Theo truyền thống người dân làng Chí Tiên thường làm bánh giầy vào những dịp lễ quan trọng như giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và ngày tết làm nùng lúa mới 10/10. Với một số cách làm riêng độc đáo, bánh giầy Chí Tiên có hương vị dẻo thơm, lạ miệng.
Bánh giầy Chí Tiên dẻo thơm đã thử một lần là không bao giờ quên
Bánh giầy Chí Tiên được làm rất công phu. Nguyên liệu chính là gạo nếp loại thơm dẻo thường là nếp cái hoa vàng, hạt gạo mẩy đều, không nứt, vỡ đôi. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ, sau đó vớt ra ráo nước mới cho vào chõ đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của gạo, dẻo lại không bị nát. Sau khi xôi chín đem đi giã thật nhuyễn. Cối giã bánh giầy được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng làm từ các loại gỗ cứng rất nặng.
Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi đem giã đến khi dẻo, mịn thì mới hoàn thành.
Khi xôi được giã xong là lúc các bà, các chị khéo léo nặn bánh, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Một chiếc bánh giầy mà đạt tiêu chuẩn thì bánh phải trong, trắng mịn, tinh khiết, khi đặt lên lá phải đẹp, tròn.
Người dân nơi đây thường ăn bánh giầy Chí Tiên cùng với lạc. Lạc được rang trên chảo bếp củi dậy mùi thơm khó cưỡng, sau đó đem giã nhỏ và trộn cùng một chút muối rang mịn. Bánh giầy Chí Tiên dẻo thơm, ngọt lành từ gạo nếp cùng với vị bùi bùi đặc trưng của lạc tạo nên hương vị tuyệt vời, đã thử một lần là không thể nào quên.
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10/3 và 10/10 âm lịch, tại đây lại vang lên những tiếng chày giã bánh quen thuộc.
Bánh giầy Chí Tiên nhắc nhớ về sự tích bánh chưng, bánh giầy của dân tộc
Từ xa xưa, bánh chưng, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Đây là hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn – đất vuông” được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.
Theo truyền thuyết, sự tích bánh chưng, bánh giầy xuất hiện từ thủa Lang Liêu – Câu chuyện về chàng hoàng tử thứ 18 con của Hùng Vương.
Nhận lời vua cha, các anh em của chàng tỏa đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ làm lễ vật năm mới mừng thọ nhà vua sống lâu ngàn tuổi, chúc cho giang sơn bền vững, dân chúng ấm no, người con nào có lễ vật được vua ưng ý sẽ truyền ngôi báu cho.
Trong cái ồn ào sôi động của cuộc săn tìm sơn hào, hải vị, báu vật để tiến sát đến chiếc ngai vàng. Hoàng tử Lang Liêu cũng đắn đo suy nghĩ về lễ vật dâng lên nhà vua. Chàng đã đi nhiều nơi để tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được thứ gì quý giá.
Vào một ngày, chàng đặt chân đến ngã ba Bạch Hạc, nơi có vùng nước thường dâng lên sa bồi màu mỡ, người dân cần cù hai vụ lúa, ngô. Đêm hôm đó (rằm tháng Chạp) trăng sáng tỏ, tiết trời càng se lạnh, chàng bỗng ngửi thấy mùi thơm quen thuộc, chàng kịp nhận ra đó là hương lúa nếp vụ mười.
Lang Liêu chợt hiểu ra đây chính là lời giải cho điều mà những ngày qua chàng vẫn băn khoăn, trăn trở. Chờ mãi rồi cũng đến ngày các hoàng tử phải dâng lễ vua cha, từ sớm đến chiều vua cha chưa ưng ý lễ vật của người nào. Đến lượt Lang Liêu, chàng từ tốn bước tới quỳ trước bệ rồng dâng lời chúc thọ rồi mở khăn điều ra. Cả nhà vua và các quan khách đều kinh ngạc vì quả là vật lạ chưa từng thấy bao giờ. Một chiếc bánh vuông màu xanh và một chiếc bánh tròn đầy đặn màu trắng tinh khiết như bầu trời buổi quang mây.
Nhà vua tươi cười nói: “Hai thứ bánh này quả là những thứ mà ta và các ngươi chưa từng thấy bao giờ”. Bánh tròn là tượng trưng cho trời, bánh vuông là tượng trưng cho đất đó chính là cội nguồn âm dương sự sống.
Là trời nên chỉ một màu trắng tròn nên gọi là bánh giầy, là đất cho nên có hình vuông có cỏ cây, lúa, đỗ và thịt động vật gói bên trong gọi là bánh chưng. Sản vật đã nói lên sự giàu có của đất nước với bàn tay của con người làm ra.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển Bánh giầy Chí Tiên vẫn giữ được hương vị khi xưa cùng lòng thành kính dâng lên tạ ơn các vị vua – Những người có công xây dựng đất nước. Chiếc bánh gợi cho ta nhớ về một thời hào hùng của dân tộc, nhớ về miền “Đất Tổ” thân thương!